Với 1,5 tỉ khách hàng thường xuyên, các tiểu siêu thị kobini mở cửa suốt 24/24 giờ đều đặn hằng tháng đạt doanh số bán lẻ gấp đôi ngân sách phòng vệ nước Nhật không bao giờ bị khủng hoảng. Bí quyết đơn giản chỉ là hàng bán không bao giờ tồn kho quá một năm.
Hiện tại, khắp nước Nhật có đến 55 ngàn cửa hàng nhỏ mang biển “kobini” hoặc Family Mark…, tăng 5,3% so với năm trước. Ở Tokyo chỉ có 7.000 kobini. Doanh số tổng cộng năm 2014 là 10.000 tỉ yen, tương đương 75 tỉ euro. Đảm trách thông tin chuỗi kobini Seven Eleven, chuỗi cửa hàng siêu thị mini đầu tiên và đứng đầu với 18 ngàn điểm bán trên khắp nước Nhật, Minoru Matsumoto tự hào: “Qua bốn chục năm kinh doanh, chúng tôi có được bí quyết là không bao giờ bán hàng tồn kho quá một năm”. Theo Tonmi Nagai, Viện quản trị Toray, 70% mặt hàng ở các kobini ít nhất đổi mới 1 lần/năm. Nguyên tắc hàng bán phải tương thích với sự thay đổi môi trường – dân số ngày một già đi, phụ nữ ngày một tích cực lên, những cửa hàng nhỏ chuyên một mặt hàng không còn tồn tại…
Không một kobini nào có kho hàng riêng ở phía sau. Một mạng lưới hậu cần cực kỳ linh hoạt theo mạng hằng ngày đưa hàng từ nơi sản xuất hoặc kho trung chuyển gần nhất tới từng điểm bán.
Kobini sẵn sàng cung ứng những thứ bất kỳ ai cũng cần tới ở mọi nơi, mọi lúc – đồ uống, thức ăn nhẹ, đồ vệ sinh, báo chí, pin, áo sơmi… kể cả dịch vụ rửa phim, sao chụp văn bản, tài liệu, chứng nhận hành chính, hóa đơn, rút tiền, nhận và thanh toán hàng mua trên mạng, đặt vé, gửi và nhận thư tín trên mạng… Theo Minoru Matsumoto, kobini mở rộng mặt hàng, dịch vụ để tăng lượng khách hàng, tuyệt đối không tranh giành khách của kobini khác. Số liệu của Hiệp hội kobini cho thấy mỗi ngày một kobini đón ít nhất 1 ngàn khách mua hàng, và một người Nhật mua đồ ở kobini trung bình 11 lần/tháng. Như thế kobini làm sao có thể bị khủng hoảng!
Lê Lành theo La nouvelle république (DNSGCT)