“Cá – hôm qua và hôm nay” là tên gọi triển lãm cá nhân mới nhất của họa sĩ Đào Minh Tri đang được tổ chức tại Eight gallery (số 8 Phùng Khắc Khoan, Q.1, TP. Hồ Chí Minh, đến 29-10-2015), cho thấy nỗ lực gần như phi thường của ông sau một cơn bạo bệnh khiến liệt nửa người.
Vẫn còn phải ngồi xe lăn khi di chuyển nhưng họa sĩ Đào Minh Tri đã vẽ lại từ vài năm qua khi sức khỏe dần phục hồi. Từng chút một, ông làm quen lại với đường nét rồi màu sắc. Thật khó khăn để lại có được những động tác mà ông đã quen thuộc sau mấy chục năm trong nghề. Nhưng rồi ý chí, tình yêu nghệ thuật và sự bền bỉ tập luyện đã giúp ông vượt qua được. Về sống gần được một năm nay trong một khu vực yên tĩnh thuộc quận 2, cây xanh nhiều, khoảng khoát, Đào Minh Tri khỏe hơn, nói năng đã mạch lạc như ngày chưa bị tai biến nặng, mỗi ngày ông đều đi bộ và còn có thể một tay chống gậy leo cầu thang lên xưởng vẽ tầng 1 để “khoe” với bạn hữu đến thăm những tập giấy đầy những phác thảo cá và cá. Khách vẫn ngợp mắt với tranh cá của ông được treo từ tầng trệt đến các tầng trên, trong đó có nhiều bức mới vẽ và đã tham dự một số triển lãm nhóm gần đây. Còn “Cá – hôm qua và hôm nay” được tổ chức sau khi nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn đến thăm, được xem những tập phác thảo ấy. Phòng tranh trưng bày các phác thảo, vài tranh sơn mài mới làm và một số bức được sáng tác khi ông còn khỏe.
Gần mười năm trước, khi còn đang độ sung sức nhất của hành trình sáng tạo, Đào Minh Tri đã khiến những người yêu mến ông ngạc nhiên khi tập sách tranh dầy dặn Đào Minh Tri – Cá của tôi được ấn hành (NXB Trẻ, 2006), giới thiệu hàng trăm bức tranh chỉ một mô-tip chủ đạo là cá. Trong sách, họa sĩ sau khi giải thích về con cá trong nghệ thuật phương Đông đã tự khẳng định: “Xem tranh tôi, chúng ta sẽ cảm nhận được nhiều ý nghĩa khác. Con cá có ý nghĩa như con người”. Còn nhà phê bình Nguyễn Quân chú giải: “Con cá chính là con người, nhiều tranh ông thể hiện cá đầu người, thân thể cũng mang dáng người. Con cá – người (của Đào Minh Tri) khá siêu thực và bơi lội như những mầm sống nam phái”. Thật thú vị khi mà trong tác phẩm Tất cả chúng ta đều là cá (NXB Trẻ, 2013), nhà cổ sinh học – giáo sư Neil Shubin đã chỉ ra những mối liên hệ mật thiết giữa con cá cổ đại và người: thông qua việc nghiên cứu các hóa thạch và DNA, ông cho thấy bàn tay chúng ta thực ra giống hệt vây cá, đầu chúng ta có cấu tạo giống loài cá không hàm đã tuyệt chủng từ lâu, và “cách tìm hiểu chi người dễ dàng nhất nằm ở cấu trúc của cá”. Hóa ra, người nghệ sĩ khi gắn đời vẽ của mình với mô-tip cá đã rất gần với những nghiên cứu cả đời của nhà khoa học!
Trong lời đề từ cho triển lãm “Cá – hôm qua và hôm nay”, Nguyễn Quân viết: “Được xem lại “con cá sơn mài” này tôi thấy những gì họa sĩ mang lại cho sơn mài nhiều không kém những gì sơn mài mang lại cho ông. Càng thấy con cá ở đây quả thực như người”.