Từ 1-12, doanh nghiệp nhà nước không được đầu tư vào bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, trừ trường hợp đặc biệt được Chính phủ cho phép hoặc doanh nghiệp có ngành nghề chính là những lĩnh vực nêu trên.
Đây là nội dung chính trong một nghị định của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành. Theo đó doanh nghiệp nhà nước có quyền dùng vốn của mình để đầu tư, kinh doanh ra bên ngoài, trong đó bao gồm cả đầu tư ra nước ngoài, nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định hiện hành của Chính phủ, trong đó có những vùng cấm nói trên.
Trường hợp doanh nghiệp nhà nước đã góp vốn, đầu tư vào các lĩnh vực trên mà không được Thủ tướng cho phép, phải tiến hành cơ cấu lại và chuyển nhượng toàn bộ vốn đã đầu tư theo quy định.
Doanh nghiệp phải có trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đã đầu tư, mọi biến động về tăng, giảm vốn phải được báo lại.
Theo chủ trương của Chính phủ từ nhiều năm trước, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước phải thoái hết vốn theo lộ trình đối với các lĩnh vực nhạy cảm như tài chính, chứng khoán, ngân hàng, bất động sản. Thời gian thực hiện thoái vốn chậm nhất là đến cuối 2015.
Được biết tính đến cuối năm 2013 các tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tư ngoài ngành trên 25.000 tỉ đồng, trong đó lớn nhất là lĩnh vực ngân hàng với 11.403 tỉ đồng, tiếp đến là bất động sản với 9.286 tỉ đồng, bảo hiểm là 1.682 tỉ đồng, chứng khoán là 696 tỉ đồng và quỹ đầu tư là 677 tỉ đồng.
Theo kế hoạch thực hiện năm 2014-2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thoái vốn đầu tư vào năm lĩnh vực nhạy cảm gồm chứng khoán, ngân hàng tài chính, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư, theo đề án tái cơ cấu đã được Chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên, tính lũy kế năm 2014 và tám tháng 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mới chỉ thoái được hơn 8.000 tỉ đồng. Như vậy, số vốn đầu tư vào năm lĩnh vực trên cần phải thoái tiếp đến cuối năm 2015 là hơn 17.000 tỉ đồng, trong khoảng thời gian còn lại là bốn tháng.
Phát biểu trên cổng thông tin Bộ Tài chính về việc thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ông Trần Văn Hiền, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, cho rằng tiến độ thoái vốn nói trên chưa đáp ứng được yêu cầu của đề án tái cơ cấu, và điều này là do ba nguyên nhân chính. (1) Do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới ảnh hưởng đến kinh tế trong nước, (2) Một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước chưa quyết liệt trong việc triển khai sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và (3) Một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành và đặc biệt là lãnh đạo doanh nghiệp chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng của việc tái cơ cấu doanh nghiệp đối với phát triển kinh tế – xã hội, còn tư tưởng e ngại, lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo sau cổ phần hóa, thoái vốn.
Gia Minh (DNSGCT)