Hiện nay Family Mart – chuỗi cửa hàng tiện lợi có chủ đầu tư người Nhật Bản đang thực hiện kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Thành lập từ năm 2009 tại TP. Hồ Chí Minh, doanh nghiệp này đã trải qua nhiều thử thách lớn.
Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của thị trường Việt Nam đang thu hút các nhà bán lẻ nước ngoài đẩy mạnh đầu tư khiến sự cạnh tranh giữa các cửa hàng tiện lợi hiện nay ngày càng gay gắt.
Tuy nhiên, ông Takehiko Kigure, Tổng giám đốc Family Mart Việt Nam cho rằng thời kỳ phát triển mạnh của chuỗi cửa hàng bán lẻ đang đến gần và không giấu tham vọng đưa Family Mart trở thành chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Việt Nam trong tương lai không xa.
Cuộc phỏng vấn dưới đây do cô Marimi, nữ phóng viên của hãng tin Nikkei đang cộng tác với Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần thực hiện.
Seven&i Holdings Co., thương hiệu bán lẻ khổng lồ của Nhật vừa công bố họ sẽ mở chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven tại Việt Nam vào năm 2017. Những chuỗi cửa hàng tiện lợi khác như B’s Mart hay Mini-Stop ở Việt Nam cũng cho biết sẽ mở thêm nhiều cửa hàng trong vài năm tới. Vậy kế hoạch của Family Mart trước tình hình đó là gì thưa ông?
Hiện tại, Family Mart Việt Nam đã có 73 cửa hàng. Tôi dự kiến sẽ nâng con số đó lên 100 vào năm 2016 và 300 vào 2018. Mục tiêu của chúng tôi là trở thành chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Việt Nam. Chúng tôi dự kiến mở từ 1.500 đến 2.500 cửa hàng vào năm 2023.
Kế hoạch mở rộng của 7-Eleven lên 1.000 cửa hàng hoặc của Mini-Stop là 800 cửa hàng trong mười năm tới tôi thấy rất thực tế. Để có chuỗi cửa hàng lớn nhất tại Việt Nam, chúng tôi cần ít nhất 30% số cổ phần. Tôi cho rằng đó là mục tiêu đầy thách thức nhưng khả thi. Theo nghiên cứu của chúng tôi, doanh số bán của mỗi cửa hàng thuộc Family Mart cao hơn so với các cửa hàng tiện lợi thương hiệu khác.
Để đạt được mục tiêu, chìa khóa cho sự thành công của chúng tôi là xây dựng được hệ thống nhượng quyền thương mại thích hợp. Đây cũng là một vấn đề lớn cần phải giải quyết cho các nhà bán lẻ Nhật Bản bởi vì luật pháp và các quy định Việt Nam rất khác với Nhật, cách nhượng quyền thương mại ở Nhật cũng không phù hợp khi áp dụng tại Việt Nam.
Ông nhận xét thế nào về thị trường bán lẻ Việt Nam?
Hiện Việt Nam có hai kiểu kinh doanh bán lẻ. Đầu tiên là kiểu truyền thống với các chợ truyền thống và các cửa hàng mặt phố. Thứ hai là kiểu hiện đại bao gồm siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Thị trường Việt Nam khá độc đáo so với các nước ASEAN khác ở chỗ số lượng các nhà bán lẻ truyền thống vẫn còn rất đông đảo, lực lượng này đang chiếm đến 80% thị phần mua bán lẻ.
Dù vậy trong thời điểm này, các nhà bán lẻ hiện đại cũng đang phát triển dần dần. Nhìn chung, bước đầu tiên của kiểu bán lẻ hiện đại được bắt đầu với các siêu thị. Bước tiếp theo, các cửa hàng giảm giá, cửa hàng tiện lợi thực hiện mở rộng hệ thống cửa hàng một cách nhanh chóng. Giai đoạn nở rộ của các chuỗi cửa hàng tiện lợi bắt đầu tại Đài Loan vào năm 1990 và tại Thái Lan vào năm 2000.
Theo tôi, thị trường Việt Nam bây giờ chưa bước vào giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng của các chuỗi cửa hàng tiện lợi. Giá thuê mặt bằng trong khu vực đô thị vẫn cao so với sức mua nên doanh nghiệp khó có lãi. Nhưng tôi chắc chắn rằng giai đoạn phát triển nhanh chóng sẽ đến trong ba hoặc bốn năm tới.
Đâu là lý do khiến ông tin chắc điều này?
Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh, người dân ngày càng bận rộn hơn và giá trị của thời gian cũng sẽ tăng. Theo đó, mọi người thường đi siêu thị một lần một tuần. Vào cuối tuần tại các siêu thị lớn, người ta sẽ phải xếp hàng đợi tính tiền lâu. Khi việc tiết kiệm thời gian trở nên quan trọng hơn với người Việt, cửa hàng tiện lợi cũng sẽ phổ biến hơn vì chúng thường ở gần nhà hoặc văn phòng hơn là siêu thị.
Hơn nữa người mua không cần phải mất nhiều thời gian chờ tính tiền. Thái Lan đã mất 15 năm để có hơn 10.000 cửa hàng tiện lợi như bây giờ. Tôi cho rằng Việt Nam sẽ không cần nhiều thời gian đến thế. Doanh số bán lẻ đang tăng đều đặn. Giai đoạn phát triển nhanh chóng sẽ đến sớm.
Được biết Family Mart đã có một chặng đường đầy thách thức tại Việt Nam?
Family Mart mở cửa hàng đầu tiên tại đây vào năm 2009. Tôi đến Việt Nam vào năm 2013, khi Tập đoàn TCC của Thái Lan đã mua lại Tập đoàn Phú Thái. Vào thời điểm đó, Family Mart đang có 42 cửa hàng hợp tác chặt chẽ với Phú Thái. Tất cả những cửa hàng này được đổi tên thành B’s Mart và cái tên Family Mart biến mất. Đó quả là tình huống khó khăn, nhưng chúng tôi đã mở lại các cửa hàng mới và bây giờ Family Mart có hơn 70 cửa hàng.
Theo ông, đâu là thế mạnh riêng của Family Mart?
Từ hơn 11.000 cửa hàng đang hoạt động tại Nhật, chúng tôi có rất nhiều kiến thức về chuyện làm thế nào để trưng bày hàng hóa sao cho tác động mạnh nhất đến thị giác người tiêu dùng; hay chiều cao của kệ nên là bao nhiêu; số lượng mặt hàng tối ưu nên được đặt trên các kệ…
Một số mặt hàng ban đầu của Family Mart như Việt Oden hay sản phẩm dùng hình ảnh Doraemon cũng đã khá phổ biến. Chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng sản xuất các mặt hàng mang thương hiệu riêng của Family Mart. Tôi hy vọng sau một năm nữa các sản phẩm này sẽ có mặt tại các cửa hàng.
Với Family Mart, cửa hàng tiện lợi không chỉ là nơi để mua một món đồ. Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp tất cả các dịch vụ hằng ngày tại cùng một chỗ. Chúng tôi đã bắt đầu đặt máy ATM và triển khai dịch vụ giao hàng tại một số cửa hàng ở Việt Nam.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!