Ấn Độ được đánh giá là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, nhưng tình trạng thất nghiệp đang là nỗi lo của chính phủ nước này. Năm 2013-2014, tỷ lệ thất nghiệp ở Ấn Độ là 4,9%, không quá cao so với 5,3% của Liên bang Nga, 7,5% của Brazil, và 25% của Nam Phi. Tuy nhiên tại nhiều nơi, tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ có học ở đất nước Nam Á này là rất đáng lo ngại. Tại bang Uttar Pradesh, chính quyền cần tuyển 368 nhân viên công nhật và nhận được 2,3 triệu đơn xin việc, trong đó có đơn của 250 nghiên cứu sinh tiến sĩ, 25 ngàn ứng viên sau đại học và 152 ngàn người tốt nghiệp đại học! Còn tại Chhattisgarh, 75 ngàn người nộp đơn xin dự tuyển 30 chỗ làm công nhật, một số ứng viên là kỹ sư và những người có trình độ sau đại học. Ở nhiều bang khác, tình trạng cũng không khá hơn.
So với nhiều nước khác, tình trạng thất nghiệp ở Ấn Độ đáng lo ở chỗ tập trung vào thành phần người trẻ có học hơn là những người nghèo, ít học. Theo một kết quả điều tra của tổ chức NSSO (Ấn Độ), ba phần tư số người thất nghiệp lâu dài nằm trong độ tuổi từ 15 đến 29 và điều này không thay đổi từ nhiều năm qua. Một trong những yếu tố có thể dùng để lý giải hiện tượng này là số người trẻ có học vấn, do được đầu tư tốn kém trong học tập, nên có khuynh hướng chọn lựa những việc làm phù hợp, với đồng lương thỏa đáng. Hiện nay, với dân số trên 1,2 tỉ người, hằng năm Ấn Độ chỉ tạo thêm được 2 triệu việc làm mới, trong khi số người trẻ tìm việc là 12 triệu người/năm. Sự chênh lệch ngày càng cao đe dọa một cuộc khủng hoảng nhân dụng lớn. Một nguyên nhân khác là vấn đề kỹ năng của lực lượng lao động bản xứ quá kém. Hậu quả là tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao trong khi 15% số xe tải trên cả nước không có người lái, nền công nghiệp sắt thép không đủ kỹ sư ngành luyện kim, khu vực y khoa thiếu chuyên viên y tế, ngành xây dựng thiếu kỹ sư… Vì thế, việc tạo thêm nhiều công ăn việc làm là một thách thức lớn của chính phủ thuộc đảng Liên minh Dân chủ Quốc gia (NDA) vốn được bầu lên bởi đa số người trẻ có học. Nếu những công việc ngoài khu vực nông nghiệp không được tạo ra để đáp ứng yêu cầu của những người đã bỏ nông thôn ra thành thị, sẽ có nguy cơ đẩy người dân trở lại với một nền nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu. Vì thế, theo nhận định của các nhà nghiên cứu, ở Ấn Độ, hạ thấp tỷ lệ 4,9% người thất nghiệp không phải là nhiệm vụ hàng đầu của cơ quan nhân dụng, mà vấn đề là làm sao thu hút được một lực lượng lao động làm việc phù hợp với năng lực và sự cống hiến của họ cho xã hội.
Lê Cẩn tổng hợp (DNSGCT)