Cho tới hôm nay, vẫn còn nhiều dư âm chung quanh sự kiện gây chấn động làng mỹ thuật thế giới khi kiệt tác Tiếng thét của Edvard Munch được bán với giá cao nhất trong lịch sử (gần 120 triệu USD) tại nhà đấu giá Sotheby’s ở New York.
Nhiều chi tiết lạ lùng về tác phẩm này được phát hiện mà trước đó ít người biết đến.
Với khoản thu kếch xù từ bán Tiếng thét, doanh nhân tỉ phú Petter Olsen ở Oslo cho biết ông sẽ dùng số tiền ấy (khoảng 105 triệu USD sau khi trừ các chi phí đấu giá) để xây dựng một bảo tàng tranh, một trung tâm nghệ thuật và một khách sạn. Bảo tàng sẽ tọa lạc tại quê nhà của ông là thành phố Hvitsten, cáchOslo 40km về phía nam, dự kiến sẽ khánh thành vào tháng 5-2013. Hvitsten còn là nơi Edvard Munch từng sống và sáng tác vào năm 1910. Bảo tàng sẽ trưng bày bộ sưu tập các tác phẩm của Munch mà ông Petter Olsen sở hữu nhờ được thừa kế từ người cha là Thomas Fredrik Olsen (1897-1969), chủ hãng tàu Fred. Olsen & Co đồng thời là cổ đông chính của nhiều công ty lớn khác tại Na Uy.
Vốn yêu thích tranh Edvard Munch, người mà ông là bạn thân và là mạnh thường quân, Thomas Fredrik Olsen có một bộ sưu tập khoảng hơn 30 bức tranh của Munch, trong đó có bức Tiếng thét. Trong Thế chiến II, trước lúc phát xít Đức chiếm đóng Na Uy, Thomas Fredrik Olsen đã trốn sang Anh sau khi cất giấu nhiều tác phẩm của Munch trong một kho chứa cỏ khô để chúng không bị hủy hoại, bởi bọn quốc xã Đức coi Munch là một “họa sĩ suy đồi”. Sau ngày chế độ Hitler cáo chung, Thomas Fredrik Olsen trở về, tìm lại được số tranh đã cất giấu. Để tỏ lòng biết ơn nước Anh, ông đã tặng cho Bảo tàng Tate ở London bức Đứa trẻ ốm đau, một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Munch, được họa sĩ vẽ năm 1885 để tưởng nhớ người chị Sophia đã qua đời vì bệnh lao khi mới 15 tuổi. Giống như Tiếng thét, bức Đứa trẻ ốm đau cũng được vẽ nhiều bản khác nhau.
Bộ sưu tập tranh Munch mà Petter Olsen thừa hưởng từng là nguyên nhân của một vụ kiện tụng sau khi bà Henriette, vợ của ông Thomas Fredrik Olsen qua đời. Trong di chúc, bà đã cho con trai thứ Petter Olsen quyền sở hữu bộ sưu tập quý giá đó của chồng. Người con trai trưởng là Fredrik Olsen đã đòi quyền lợi và kiện ra tòa ánOslonhưng thua kiện vào năm 2001.
Số phận của bức Tiếng thét thật lạ lùng. Đã bị vùi trong cỏ khô trong suốt năm năm thời Thế chiến II, bức tranh giá 120 triệu USD còn bị lưu kho trong suốt 17 năm tại một trong những địa chỉ mỹ thuật danh giá nhất là Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia Mỹ ở thủ đô Washington. Trong vựng tập của nhà Sotheby’s khi tổ chức đấu giá tranh đầu tháng Năm vừa qua, bức Tiếng thét được ghi là “cho (Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia Mỹ) mượn trưng bày trong thời gian 1990-1991”. Thật ra, trong những năm 1989-2006 được lưu giữ tại bảo tàng, bức tranh chỉ được trưng bày cho công chúng xem từ tháng 5-1990 đến tháng 7-1991, còn thì được bảo quản trong hầm và chỉ được mang ra cho các học giả và sinh viên mỹ thuật xem khi họ có nhu cầu nghiên cứu về Edvard Munch. Chính các giới chức bảo tàng đã hy vọng tác phẩm mà họ được gửi để bảo quản, lưu giữ rồi sẽ thuộc về nơi này thông qua hiến tặng của chủ nhân hoặc bảo tàng sẽ tìm cách mua nó. Nhưng nay thì chủ nhân mới của Tiếng thét là một bí mật, giống như những người ẩn danh khác khi mua các tác phẩm của Picasso hay Van Gogh với giá cao ngất trước đây.
Dù không còn cơ hội để xem bức Tiếng thét đã bán, người hâm mộ Edvard Munch vẫn có thể chiêm ngưỡng các tác phẩm cùng tên gọi tại Bảo tàng Quốc gia Na Uy và tại Bảo tàng Edvard Munch ở Oslo. Riêng Petter Olsen đã có kế hoạch triển lãm bộ sưu tập tranh Munch tại Đại học Oslo vào năm tới, khi Na Uy tổ chức lễ kỷ niệm trọng thể 150 năm ngày sinh của nhà danh họa.