Kenneth Chenault là vị CEO của tập đoàn cung ứng dịch vụ thẻ tài chính lớn nhất thế giới American Express, người lèo lái công ty qua những giai đoạn khủng hoảng tài chính, chính trị tồi tệ nhất nước Mỹ, một doanh nhân về tài chính tiền tệ được coi là giỏi nhất thế giới theo tạp chí tài chính Fortunes.
Khi Kenneth Chenault lần đầu đến American Express vào hơn 30 năm trước sau hai năm rưỡi kinh nghiệm tại văn phòng luật Bain và Cộng sự, ông đã nhận ra cơ hội trong mảng quản lý hàng hóa. Lúc bấy giờ, mảng này đang gặp nhiều rắc rối. Chính vị giám đốc bộ phận Louis V. Gerstner Jr. (người sau này trở thành CEO của RJR Nabisco và sau đó là IBM) là người ngăn cản Chenault nhận nhiệm vụ đó. Sự thật là Gerstner đã sẵn sàng để đóng cửa mảng này.
Nhưng có lẽ Gerstner chưa hiểu rõ Chenault. “Tôi là dạng người sẽ nhận lấy những bài tập mà chẳng ai muốn nhận, chẳng hạn như chịu trách nhiệm cho giai đoạn khó khăn ban đầu của một doanh nghiệp”. Chenault, hiện là chủ tịch của American Express kể lại trong một buổi giảng về phong cách lãnh đạo tại Đại học Wharton: “Lou cứ bảo tôi hết lần này đến lần khác là đừng có nhận việc đó, nhưng tôi đã trả lời rằng: “Lou, tôi thật sự muốn thử thách này”. Tôi không ngại rủi ro. Tôi cảm thấy đây là con đường mình nên đi”.
Đối với Chenault, công việc tại mảng này không liên quan quá nhiều đến việc kinh doanh của cả tập đoàn, nên ông có thể tự do quyết định tất cả các mặt. “Nếu là ở một nơi khác, có lẽ họ sẽ không để một kẻ ngoại đạo 33 tuổi ra quyết định, nhưng ở đây thì khác. Mọi người luôn muốn một công việc hào nhoáng. Tôi thì chỉ muốn được học hỏi”.
Sau hai năm dưới sự điều hành của Chenault, mảng Quản lý hàng hóa được vực dậy thành công, doanh thu tăng gấp ba lần, từ 150 lên 500 triệu USD. Cuối cùng, Gerstner sắp xếp cho Chenault đến làm việc tại bộ phận Thẻ tín dụng của công ty, và một nhà lãnh đạo xuất chúng đã ra đời.
Năm 2001, Chenault trở thành CEO của American Express. Việc người gốc Phi nắm giữ vị trí chóp bu ở một công ty Mỹ không thường xảy ra, nhưng Chenault đã chứng minh được khả năng của mình cả trên cương vị một nhà chuyên môn lẫn một nhà lãnh đạo. Ông tự tin vào bản thân cũng như phương thức làm việc của mình, đó là không bao giờ làm những điều khuất tất và luôn tìm kiếm lời khuyên từ các đồng nghiệp, thậm chí là từ những người có thể là đối thủ.
“Tôi tin rằng mình có thể làm việc tốt với cả các đối thủ. Tôi có những cuộc trò chuyện thẳng thắn với họ và nói: “Hãy tập trung vào những điều tốt nhất cho công ty”. Bằng cách làm như vậy, mọi việc trở nên tốt hơn” – Chenault chia sẻ.
Lãnh đạo giỏi là ai?
Chenault cho rằng việc trở thành một nhà lãnh đạo tốt vừa đơn giản, vừa phức tạp. Phần đơn giản nhất chính là cần phải giữ sự liêm chính của mình, không lừa phỉnh ai cả và luôn trung thành với mục tiêu lớn nhất của doanh nghiệp: cân bằng mối quan hệ tay ba giữa khách hàng, nhân viên và cổ đông.
Ông không tự ý đánh giá một người có phẩm chất lãnh đạo hay không: “Câu trả lời chính xác nhất nằm ở những người đi theo anh: ai đang thực sự lắng nghe họ và ai mà họ đang thực sự cảm thấy tôn trọng”. Những nhà lãnh đạo chân chính vừa phải quyết đoán, vừa phải biết cảm thông.
Chenault quản lý việc tái cấu trúc American Express vào năm 1995 với vai trò là phó chủ tịch tập đoàn. Khi buộc phải ra quyết định cắt giảm 16.000 công việc, ông đã thông báo việc này đến các nhân viên trước 18 tháng để họ có nhiều thời gian điều chỉnh và tìm một công việc mới.
“Bạn cần phải làm mọi thứ với sự cảm thông của mình, thậm chí khi phải đối mặt với tin dữ”, Chenault nói về một nguyên tắc khác của mình trong việc điều hành: bản thân người lãnh đạo cũng là một thành viên của nhóm.
“Vấn đề là bạn không chỉ phải là một người tốt, mà còn phải làm việc hiệu quả. Đôi khi chúng ta cần phải đối mặt với một thứ mà tôi gọi là sự đối đầu mang tính xây dựng. Hãy ngắn gọn và nói thẳng ra những điều cần thiết”.
Ông tin rằng khả năng lãnh đạo là một kỹ năng có thể được trau dồi. Ông không chỉ xin lời khuyên từ những “sếp” có vị trí cao hơn mà còn đón nhận những lời nhận xét có giá trị từ mọi phòng ban trong công ty.
“Bất cứ nhân viên nào gởi cho tôi một câu hỏi, tôi đều trả lời. Đó không phải là một lá thư dài 100 dòng nhưng ít nhất khi mọi người biết rằng họ có thể đề đạt ý kiến, họ sẽ đến với bạn. Điều đó tạo nên hiệu ứng tích cực trong doanh nghiệp”.
Vài lần trong năm, ông sẽ đến những chi nhánh khác nhau của tập đoàn và dùng bữa với khoảng 25 người, không ai trong số họ là nhân viên cấp cao. “Sự hiện diện của một nhà lãnh đạo là vô cùng quan trọng, cho thấy rằng doanh nghiệp dù có lớn thế nào cũng đang quan tâm đến nhân viên của mình”.
“Tôi chỉ yêu cầu những người đó duy nhất một việc rằng khi họ rời khỏi bữa ăn, hãy kể về nó với 20 người khác”, Chenault nói. “Tôi không quan tâm nếu họ nói: “Ken là một tên gàn dở”, vì ít nhất điều đó cũng đem đến sự kết nối. Giữ mối quan hệ với hơn 70.000 người là điều rất quan trọng, và tôi không tin tưởng vào mô hình mà chỉ có duy nhất một CEO thống trị. Một tổ chức hoàn hảo là nơi tạo ra hàng ngàn người lãnh đạo”.
Hai hình mẫu về một nhà lãnh đạo lý tưởng
Chenault ngưỡng mộ rất nhiều nhà lãnh đạo, nhưng ông thường kể ra hai người mà ông đặc biệt yêu thích: Nelson Mandela và Warren Buffett.
Bài học quan trọng nhất mà Chenault học từ Mandela chính là kể cả khi bạn đang gặp khủng hoảng, bạn cũng phải suy nghĩ về định hướng trong tương lai. “Đây là ví dụ về những người trở nên mạnh mẽ hơn sau khi ra khỏi tù. Không chỉ tìm cách làm sao để có thể sống, kể cả lúc trong ngục tù ông ấy cũng nghĩ về những thứ mình muốn làm cho đất nước của mình. Mandela quả thật là một vị anh hùng”.
Chenault nói rằng ông không ngưỡng mộ Buffett chỉ vì ông này là cổ đông nắm giữ 14% cổ phần của American Express. “Ông ấy vừa là một doanh nhân tài năng, vừa là một người cư xử thấu tình đạt lý”.
Chenault chia sẻ. “Ông ấy thừa nhận rằng mình yêu công việc kinh doanh, nhưng cũng thích việc giao tiếp với con người. Ông có thể đi bộ trên đường phố Omaha hay New York và nói chuyện với mọi người, kể những câu chuyện cười, ký tờ séc mệnh giá 1 USD cho họ. Ông ấy rất nhân văn và cũng có một tinh thần thép. Khi cần phải từ chối điều gì, ông luôn có cách để nói “Không”, không thô lỗ nhưng cũng không làm mất thời gian của mọi người”.
Câu danh ngôn về sự lãnh đạo của Napoleon mà Chenault đặc biệt tâm đắc là: “Vai trò của người đứng đầu là định rõ thực tế và nuôi dưỡng hy vọng”. Để làm được việc này không phải là một điều dễ dàng. “Bạn phải mở lòng và đón nhận thực tế, sau đó phải nói với nhân viên của mình lý do tại sao họ nên đặt hy vọng vào bạn và doanh nghiệp của bạn”.
“Điều này sẽ dễ dàng biết bao vào những thời điểm tươi sáng. Nhưng vào những lúc khó khăn, người lãnh đạo thực sự phải xuất hiện” – Chenault nói thêm. “Danh tiếng của những người lãnh đạo được gầy dựng hoặc sụp đổ vào thời điểm khủng hoảng. Bạn phải tạo ra lòng trung thành của nhân viên bằng sự quyết đoán và cảm thông của mình”.