Theo Japan Times, vào tuần trước, Bộ trưởng Kinh tế và Chính sách tài khóa của Nhật Akira Amari thừa nhận sẽ rất khó để nối lại các vòng đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong tháng 8-2015.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi các cuộc đàm phán tại Hawaii – Mỹ không mang lại thỏa thuận cuối cùng vì các bên còn bất đồng về nhiều vấn đề như bản quyền trong lĩnh vực dược phẩm, mở cửa thị trường sữa, thị trường nông nghiệp.
Tuyên bố này cũng trái ngược với khẳng định của các bộ trưởng thương mại thuộc TPP trong tuần trước về việc vòng đàm phán sẽ được khởi động cuối tháng 8-2015.
Trả lời giới truyền thông, ông Amari khẳng định: “Chúng tôi không thể tổ chức được cuộc gặp tiếp theo của các bộ trưởng, trừ khi chắc chắn sẽ đi đến được một sự thống nhất cuối cùng. Sẽ rất khó để có được cuộc gặp nào trong tháng 8”.
Nếu các nước thành viên TPP vẫn muốn nhanh chóng đạt được thỏa thuận để đưa hiệp định này vào thực tế, họ sẽ cần phải giải quyết được các bất đồng trước thời điểm cuối năm 2015, bởi năm 2016, nước Mỹ sẽ bước vào cuộc tranh cử tổng thống.
Với những gì đang diễn ra hiện tại, có thể thấy mục tiêu trên khá xa vời, bất chấp việc một số nước đã nhượng bộ rất nhiều.
Việc nối lại các vòng đàm phán lúc này sẽ gây ra một số khó khăn cho Mỹ và Canada.
Ở Mỹ, sẽ cần khoảng 90 ngày làm việc để một thỏa thuận cuối cùng vượt qua được vòng bỏ phiếu của Quốc hội. Thế nhưng trong năm 2015, Quốc hội Mỹ chỉ còn làm việc 45 ngày nữa, tất nhiên, nếu muốn thì họ cũng có thể tăng thêm số ngày làm việc nhưng điều này không có gì chắc chắn.
Theo bài bình luận trên tạp chí Forbes, nếu cho đến cuối năm nay TPP vẫn chưa được phê chuẩn, khả năng nó được hoàn thành trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama là thấp.
Chính quyền của Tổng thống Obama vẫn hy vọng Hạ viện và Thượng viện nước này sẽ bỏ phiếu cho TPP vào đầu năm 2016, dù cũng biết khả năng này khó xảy ra.
Bởi như thực tế đã minh chứng trong vài tháng qua, phần lớn nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ sẽ bỏ phiếu chống TPP. Trong bối cảnh của năm bầu cử, khi một lá phiếu thuận sẽ có thể làm tổn hại sự nghiệp chính trị, người ta không dễ làm điều mạo hiểm.
Mặt khác, Quốc hội Mỹ hiếm khi thông qua một thỏa thuận nào mang tính bước ngoặt như TPP trong năm bầu cử.
Còn Canada đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào tháng 10, các nhà hoạch định chính sách nước này sẽ không muốn đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào trước thời điểm đó. Với tình hình chính trị hiện tại ở Canada, nhiều khả năng cũng sẽ không có vòng đàm phán nào kể cả trong tháng 9.
Trong khi đó, các nước giàu nhất tham gia đàm phán TPP dường như ai cũng muốn phần lợi lớn nhất về phía mình.
Người Nhật chỉ muốn ăn gạo Nhật chứ không muốn ăn gạo Mỹ, không muốn nhìn thấy gạo Mỹ trên đất Nhật, nhưng cùng lúc đó lại muốn thấy toàn ôtô Nhật chạy trên các xa lộ của Mỹ.
Các nhà hoạch định chính sách Úc cho đến nay dù nhất quyết không nhượng bộ Mỹ trong lĩnh vực dược phẩm, nhưng vẫn muốn xuất thêm đường vào Mỹ.
Với lợi thế về sản xuất sữa với giá thành rẻ nhất nhì thế giới, New Zealand muốn Mỹ, Canada và Nhật mở cửa thị trường đón sản phẩm nước này, nhưng Canada từ chối.
Nếu việc đàm phán không sớm kết thúc, TPP có thể bị “treo” tại Mỹ cho đến tận năm 2017. Số phận của TPP sẽ còn long đong hơn nữa, nếu một chính khách thuộc đảng Dân chủ trở thành tổng thống Mỹ trong năm 2016.
Trái ngược với tâm lý lo lắng của nhiều nhà đàm phán, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe vẫn rất lạc quan về triển vọng của TPP. Ông nói: “TPP sẽ có được chỉ sau một cuộc họp cấp bộ trưởng nữa thôi. Chính phủ Nhật sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo quyền lợi quốc gia và tôi tin Quốc hội Nhật sẽủng hộ”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vẫn tiếp tục thể hiện sự lạc quan về tương lai của TPP, khi cuối tuần qua, ông phát biểu tại Hà Nội: “Chúng ta sẽ có thể kết thúc việc đàm phán cho TPP trong năm 2015, chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể để xóa bỏ những điểm gây tranh cãi”.
T.K (DNSGCT)