Cùng một phương thức sơ chế lên men qua hệ tiêu hóa động vật, cà phê voi đắt hơn cà phê chồn nức tiếng, bởi hương vị thơm ngon, khác hẳn với cà phê thông thường, giá thành cao, nhất là sản lượng còn quá thấp. Giữa những ngọn đồi xanh ngắt miền Bắc Thái Lan, Linda không nề hà cúi sát xuống đống phân voi vừa thải ra, lượm hết những hạt cà phê lấp lánh. Sau khi rửa sạch, để ráo nước, rang đúng độ lửa, những hạt cà phê được động vật khổng lồ, da dày ăn hôm trước thải ra tạo nên một thức uống trên cả tuyệt vời cả về hương lẫn vị.
Blake Dinkin, sáng lập hiệp hội Cà phê ngà đen (Black ivory coffee) nhớ lại: “Khi tôi trình bày dự án này, quản tượng nào cũng nói tôi điên!”.
Trước khi lập nghiệp ở vùng giáp ranh ba nước Thái Lan – Myanmar và Lào nổi tiếng với Tam giác vàng trồng, chế biến và buôn lậu ma túy, người đàn ông Canada tứ tuần, năng động này đã suy tính nát óc. Blake Dinkin lúc đầu tính dùng cầy hương, mèo xạ châu Phi để tạo cà phê kopi luwak, cà phê chồn được nhiều người biết tới. Nhưng hầu hết các nhà sản xuất cà phê chồn ở châu Phi, châu Á ở mức bán công nghiệp – sản lượng thấp, không đảm bảo chất lượng, và các con thú bị nuôi nhốt trong chuồng để dễ bề thu hồi phân của chúng. Tình cờ, Dinkin phát hiện mùa nắng, voi ở Đông Nam Á rất thích ăn trái cà phê. Bụng voi hoạt động như một cái nồi hầm, mọi thức ăn vào bụng voi nhừ nát, các hương vị ấy thấm vào hạt cà phê. Đặc biệt dịch vị dạ dày voi lại làm tiêu tan vị đắng, chua cố hữu của hạt cà phê.
Thực tế cà phê voi mới phổ biến ở các khách sạn sang trọng nhất châu Á – 15 euro/tách. Giá đắt bởi để có được 1kg hạt cà phê phải cho voi ăn 33kg trái cà phê. Mong sao Paris, Zurich, Copenhague… sớm được nếm cà phê voi.
Để quảng bá, Khách sạn Anantara ở Chiangmai, nơi Blake Dinkin đặt văn phòng, cà phê voi được pha bằng bình Pháp thế kỷ XIX để khách uống thấy cà phê mang hương vị sô-cô-la hòa với caramen chảy qua ống xi-phông xuống tách.
Lê Lành theo nbcNews, Le Parisien (DNSGCT)