Hằng năm, 15 triệu bé gái chưa đến tuổi thành niên đã bị gả bán, một di hại của đói nghèo và dốt nát. Lakshmi Sundaram, Giám đốc điều hành tổ chức phi chính phủ Girls not Brides (Con gái không phải là cô dâu) có trụ sở tại Anh nhấn mạnh rằng ở các nước đang phát triển, cứ ba bé gái chưa đến 18 tuổi, năm bé gái dưới tuổi 15 thì một đã phải làm vợ. Theo Girls not Brides, khoảng 10% nữ giới đã phải làm vợ khi chưa đến tuổi 18. Cùng với Bangladesh, Ấn Độ, Niger với 17 triệu dân là ba quốc gia có tỷ lệ tảo hôn cao nhất thế giới: 244 ngàn bé gái phải làm vợ trước tuổi, chung quy chỉ vì nghèo, thất học.
Cuối năm 2014, Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết kêu gọi các chính phủ ra lệnh cấm tảo hôn. Liên hiệp châu Phi mở chiến dịch hai năm chấm dứt nạn tảo hôn trên lục địa đen. Nhiều chính phủ Nam Á lên kế hoạch hành động tương tự. Thế nhưng tình hình không mấy tiến triển. Năm 2004, Maroc thông qua luật cấm tảo hôn. Vậy mà năm 2013, 35 ngàn vụ tảo hôn, so với 18 ngàn vụ trước đó mười năm.
Tham gia cuộc hội thảo ở Casablanca (Maroc) trung tuần tháng 5 vừa qua về đề tài này, đại diện cho 450 tổ chức dân sự thuộc 70 nước đã đề nghị thế giới cần phải đấu tranh mạnh hơn nữa với nạn tảo hôn. Họ cảnh báo rằng nếu không hành động dứt khoát, từ nay đến năm 2050, số bé gái là nạn nhân của tảo hôn trên thế giới sẽ là 1,2 tỉ.
Usha Choudary, 38 tuổi, đến từ Ấn Độ, nói: “Năm 14 tuổi, tôi đã phải đấu tranh quyết liệt với gia đình vì họ định bắt tôi phải mang nhẫn cưới. Tôi biết mẹ tôi đã phải chịu đựng bao khổ ải vì bạo lực cưỡng hôn. Tôi không muốn trở thành nạn nhân khốn nạn như mẹ mình. Tôi nhất quyết phá gông xiềng tảo hôn”. Nay, Usha Choudary là một thành viên tích cực của tổ chức dân sự Vikalp (Ấn Độ) bảo vệ quyền con gái được học hành, sống trọn tuổi thơ đời mình.
Lê Lành theo Libération (DNSGCT)