Dọc theo dòng sông Main dài hơn 500km của nước Đức là rất nhiều thành phố, thị trấn giàu có, phồn hoa. Trong đó sầm uất nhất là Frankfurt và cổ kính nhất có lẽ là Würzburg – thành phố di sản cách Frankfurt khoảng 120km. Không chỉ nổi tiếng với những kiến trúc cổ lộng lẫy, Würzburg còn được biết đến như là cổng vào của con đường Romantic, một trong những tuyến đường du lịch nổi tiếng nhất nước Đức.
Nơi bắt đầu của một cung đường lãng mạn
Cung đường Romantic dài khoảng 340km nối liền con sông Main và dãy Alps, chạy qua những khung cảnh rừng núi, cánh đồng, vườn nho và phố thị lãng mạn tuyệt đẹp. Ngoài ra, dọc đường, khách du lịch còn có thể nếm thử những món ăn địa phương tuyệt ngon trong bầu không khí trong lành, thoáng mát. Hành trình thường được bắt đầu bằng việc tham quan pháo đài Festung Marienberg đồ sộ nằm trên đỉnh ngọn đồi ngay bên sông Main. Công trình kiến trúc có tuổi đời hơn năm thế kỷ này là niềm kiêu hãnh lớn của Würzburg. Từng leo lên nhiều pháo đài quân sự kiên cố, lạnh lẽo thời trung cổ nên chúng tôi hơi ngỡ ngàng trước dáng vẻ duyên dáng và rất gần gũi với thiên nhiên của Festung Marienberg. Các hàng cột, các cầu thang trong pháo đài được thiết kế vừa vững chãi vừa thanh thoát. Đặc biệt, trong sân pháo đài còn có cả một vườn hoa vô cùng tinh tế và quyến rũ. Phải mất khoảng 30 phút đi bộ để lên đến nơi cao nhất của Festung Marienberg. Từ vị trí này, ai nấy ngây ngất trước cảnh đẹp mê hồn của phố cổ Würzburg bên dòng sông Main trong xanh uốn lượn và thánh đường Käppele uy nghi hiện ra mồn một. Xa xa là khung cảnh đồng quê yên ả giữa những đồi nho xanh trập trùng…
Nhắc đến nho lại phải nói về rượu vang. Người dân Würzburg có nhiều điều tự hào về thành phố của mình, nơi còn giữ được kha khá lượng di sản sau hai cuộc thế chiến tàn phá biết bao công trình kiến trúc quý báu của nước Đức. Một trong những niềm tự hào đó là trung tâm sản xuất rượu vang Franconian. Nghe nói hương vị đặc trưng của rượu vang Franconian có được là do cuộc hôn phối tay ba vừa phức tạp vừa tình tứ giữa đất đai, khí hậu và cảnh quan. Thì nhìn đây, phong cảnh Würzburg đẹp thế, khí hậu mát mẻ trong lành thế, thảo nào rượu vang chiết xuất từ những đồi nho chẳng ngon! Những đồi nho vừa ngấm nước sông Main ngọt ngào vừa đậm đà sương gió vùng đất đá Würzburg, lại thêm “chuẩn Đức” trong khâu chưng cất nên chất lượng không có gì bàn cãi.
Nhân nói về “chuẩn Đức”, dân châu Âu ngày nay vẫn mê mẩn các sản phẩm “made in Germany” chẳng kém gì dân châu Á ngưỡng mộ đồ “made in Japan”. Cách đây hơn hai năm, khi chúng tôi đi nghỉ tại vùng nông thôn Đức sát biên giới Bỉ, cả bọn lúc nào cũng ồ à về “chuẩn Đức”: xe chạy êm như ru vì chất lượng đường quá tốt, Fen Ju – người bạn Đài Loan nghiêng ngó từng góc nhà tắm rồi thốt lên “bà chủ lau chùi sạch đến nỗi không nhìn thấy vệt giọt nước đọng trên vòi”, cà phê nguyên chất cũng trứ danh cho bữa sáng đặt cạnh giỏ chuối quả nào cũng to và vừa chín tới lốm đốm vài hạt trứng cuốc thơm lừng.
Một trong các yếu tố chính làm nên nét duyên dáng cho thành phố bên sông chính là những cây cầu. Cầu Alte Mainbrücke đẹp nhất ở Würzburg được xây từ năm 1473 đến năm 1543 theo kiến trúc Baroque với đầy đủ 12 tượng vị thánh tông đồ bằng đá vôi, có vị còn được trang trí vòng hào quang mạ vàng quanh đầu. Ngay từ những ban công dọc bờ sông gần chân cầu chúng tôi đã nhìn thấy những chiếc khóa nhỏ màu vàng, đỏ lấp lánh. Thành cầu bằng đá, cứ chỗ nào chồi lên một vòng sắt là các cặp tình nhân lại móc chi chít ổ khóa nhỏ. Châu Âu hiện đại, nhà cửa bây giờ có ai dùng thứ khóa cổ điển ấy nữa. Nhưng cung bậc cảm xúc và cách bày tỏ tình yêu muôn đời vẫn thế cho nên nghề làm khóa truyền thống ở châu Âu lo gì thất nghiệp!
Lộng lẫy cung điện Würzburg Residenz
Tiêu biểu cho lối kiến trúc Baroque cổ điển ở Đức chính là cung điện nguy nga Würzburg Residenz. Würzburg Residenz có quy mô và giá trị kiến trúc không thua kém cung điện Versailles của Pháp. Hơn nữa, tham quan Würzburg Residenz rất thư thái, không phải xếp hàng chen lấn như ở Versailles. Chỉ với 7 euro, du khách tha hồ thoải mái dạo bộ trong các gian phòng lộng lẫy vương giả của kiến trúc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới này. Các phòng Hoàng đế, phòng Gương, phòng Sơn mài, phòng Lụa… đều tuyệt đẹp. Có cả ghế ngồi trong phòng Hoàng đế và các phòng tranh để khách ngồi thong thả chiêm ngưỡng. Riêng phòng để ngắm khu vườn thượng uyển, phòng cầu thang hai lối song song và bốn sảnh rộng cũng đã xứng đáng được gọi là kiệt tác nghệ thuật nhờ tấm bích họa quý giá trên trần nhà. Bức họa này dài 30m, rộng khoảng 18m đầy kịch tính với các hình tượng sống động mô tả cuộc giao tranh khốc liệt của ngũ hành nhân sinh giữa thiên nhiên rợn ngợp… Phòng nào không có bích họa khổng lồ trên trần thì trùng điệp nghệ thuật tạo hình ở tường lớn và vòm trần cao rộng, lụa quý bọc tường, vàng bạc bọc gương, sơn mài lên cửa tráng lệ. Vào phòng ngủ, thấy ghi trang trọng Napoleon I từng nghỉ đêm tại đây, có du khách thắc mắc sao giường của người xưa nhỏ và ngắn thế. Người hướng dẫn bật cười “Người xưa không to lớn như bây giờ. Cỡ Napoleon ngủ giường này là vừa rồi!”.
Cung điện gồm 300 phòng này thật xứng là di sản văn hóa thế giới. Tuy có ít nhân viên bảo vệ song ai cũng làm việc nhiệt tình theo “chuẩn Đức”: ý thức cao, kỷ luật thép. Cứ nhóm khách nào có người châu Á đến tham quan phòng Hoàng đế, phòng Gương, phòng Thảm… là cô nhân viên phụ trách giám sát ở đó lại bám theo từng bước. Thấy bất cứ ai có ý định sờ thử thảm quý, cô lại tha thiết “Đừng sờ, làm ơn, đó là thảm nguyên gốc, làm ơn đi!”, giọng hết sức sầu não. Dường như cô đã phải nói đi nói lại từ này nhiều lần trong ngày. Vậy mà tấm thảm quý dệt từ thế kỷ XV treo sát lối đi đã sờn rách một góc. Có lẽ vẻ lộng lẫy quý giá của các căn phòng làm rối trí nhiều người tham quan. Có khi cả đời mới được vào một lần nên khao khát sờ thử để cảm nhận sự mát lạnh của đá, vẻ mềm mại từng sợi thảm đắt giá 500 năm tuổi là cũng có thể hiểu được…
Một ngày ở Würzburg thật dài bởi đầy ắp gam bậc cảm xúc buồn vui, choáng ngợp, hạnh phúc trước sự sáng tạo vô biên của con người.
Kiều Bích Hương