Theo một báo cáo mới nhất của Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á – Thái Bình Dương (TBD) thuộc Liên Hiệp Quốc (ESCAP), từ đầu thập niên 1990 đến nay, thu nhập bình quân theo đầu người tại các nền kinh tế đang phát triển thuộc khu vực châu Á – TBD đã tăng gấp đôi. Trung Quốc là nước đạt mức cao nhất với tỷ lệ gia tăng thu nhập gấp bảy lần, còn Bhutan, Campuchia và Việt Nam tăng gấp ba lần. Năm nay, dự kiến tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc giảm còn 7%, trong khi Ấn Độ sẽ từ tỷ lệ 7,4% của năm 2014 lên 8,1% và Indonesia, đất nước đông dân thứ tư thế giới, sẽ đưa tỷ lệ tăng trưởng từ 5% lên 5,6%.
Tuy nhiên sự tăng trưởng không phải lúc nào cũng được chia sẻ đồng đều. Hiện nay, sự chênh lệch vềthu nhập giữa các thành phần xã hội ngày một tăng lên, đặc biệt tại các nước đang phát triển và trong khu vực đô thị. Từ thập niên 1990, chỉ số Gini (tính mức độ chênh lệch thu nhập, theo tỷ lệ từ 0% đến 100%) của châu Á – TBD đã tăng từ 33,5% lên 37,5%. Theo Niên giám Thống kê châu Á – TBD năm 2014 của ESCAP, số người nghèo có thu nhập dưới 1,25 USD/ngày đã từ 52% vào năm 1990 giảm còn 18% vào năm 2011. Dù vậy, số người có thu nhập dưới 2 USD/ngày (không còn được xếp vào loại nghèo nhất) vẫn chiếm đến 933 triệu người. Số liệu thống kê của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) còn cho một cái nhìn rõ nét hơn về tình trạng cực nghèo của khu vực, theo đó vùng Đông Á giảm được 48,6%, vùng Trung và Tây Á giảm 39%, vùng Đông Nam Á giảm 31% và vùng Nam Á giảm 19%. ADB cũng cho rằng con số quy ước 1,25 USD/ngày để xác định tình trạng cực nghèo không còn phù hợp nữa, vì còn nhiều yếu tố khác tác động. Nếu nâng con số này lên 1,51 USD/ngày và tính cả những yếu tố như sự thiếu an toàn thực phẩm, nguy cơ do thiên tai mang lại… thì số người cực nghèo ở châu Á – TBD phải lên đến 49,5%, khoảng 1,7 tỉ người.
Một trong những hệ quả đầu tiên của tình trạng trên là đầu tư hạ tầng cơ sở sụt giảm. Tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, kinh phí của loại hình đầu tư này đã giảm từ 38 tỉ USD năm 1997 xuống còn 25 tỉ USD vào năm 2010. Hạ tầng cơ sở rất cần cho đời sống của người nghèo, trong đó có mạng lưới vận chuyển và nguồn điện cho sinh hoạt. Theo những ước tính gần nhất, các tiểu vùng Nam và Tây Nam Á cần khoảng 400 tỉ USD cho việc cung cấp nguồn điện, vậy mà hiện chỉ có 71% người dân Nam Á được cung cấp điện, trong khi ở Đông và Đông Bắc Á, tỷ lệ này đến 92%. Nước sạch và vệ sinh cũng là những vấn đề lớn của khu vực khi 41% dân số không có nhà vệ sinh và 75% dân số không có nước máy để xài (dữ liệu của ESCAP). Thêm vào đó, sự đô thị hóa quá nhanh khiến cho trong vòng 15 năm tới đây, châu Á – TBD phải cần đến 11 ngàn tỉ USD để đối phó với áp lực của người nhập cư vào các đô thị lớn. Năm 2012, 46% cư dân châu Á – TBD đã sống ở các đô thị, và đến năm 2020 sẽ có thêm 500 triệu thị dân nữa. Về mặt nhân dụng, trong số 13 nước thuộc khu vực châu Á – TBD được khảo sát, bảy nước có trên 10% số người trẻ bị thất nghiệp, riêng Sri Lanka là 19,5%. Thư ký điều hành của ESCAP là bà Shamshad Akhtar cho rằng để nâng cao mức sống của người dân, các nước trong khu vực này chẳng những phải giải quyết sự chênh lệch về thu nhập giữa các thành phần trong xã hội, mà còn phải cổ xúy sự bình đẳng về những cơ hội tốt nhất mà cuộc sống có thể mang lại cho họ.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)