Chính sách tỷ giá đang là tâm điểm và sẽ tạo áp lực không nhỏ đối với việc điều hành của Ngân hàng Nhà nước từ nay đến cuối năm. Với việc tỷ giá đã được điều chỉnh hết “quota” 2% khi mà thời gian một năm vẫn chưa đi được một nửa, người ta chờ xem nhà điều hành sẽ xử lý thế nào từ nay đến cuối năm một khi diễn tiến tỷ giá không thuận lợi. Dù Ngân hàng Nhà nước có đủ nguồn dự trữ ngoại hối để thực hiện cam kết không điều chỉnh tỷ giá quá 2% trong năm nay, nhưng với những biến động khó lường của kinh tế thế giới, nhất là biến động của đồng USD so với đồng tiền khác vẫn còn nhiều phức tạp, việc hoàn thành mục tiêu tỷ giá được đặt ra từ đầu năm là không dễ dàng.
Như để cân bằng với thông tin không tích cực về tỷ giá, thanh khoản của hệ thống ngân hàng và tốc độ tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm của hệ thống ngân hàng đang là điểm sáng, khi vẫn giữ được nhịp độ ổn định. Chỉ sau bốn tháng, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đã đạt mức tăng 2,78%, cao nhất trong vòng ba năm qua. Nếu như các năm trước, trong quý I và đôi khi là hết quý II, tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn còn rất thấp, thậm chí âm so với đầu năm, thì nay tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn đang đều đặn tháng sau cao hơn tháng trước. Năm nay ngành ngân hàng được giao mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn so với năm ngoái, ở mức 13 – 15%. Việc tín dụng tăng trưởng dương ngay từ những tháng đầu năm cùng với mức dự báo lạm phát khoảng 3 – 4% trong năm nay cho thấy đã có một sự phối hợp khá đồng bộ giữa hai chính sách tài khóa và tiền tệ. Đây cũng là điểm sáng trong điều hành chính sách vốn không hề dễ dàng trong tình hình hiện nay.
Sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, cùng với sự quay trở lại hoạt động và thành lập mới của hàng chục ngàn doanh nghiệp trong nước được cho là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp cho hoạt động tín dụng của các ngân hàng trở nên dễ dàng hơn. Tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm nay cũng phục hồi và tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, ở mức 6,03%. Tháng 4 vẫn đang lạc quan, với sự phục hồi kinh tế ngày càng rõ nét, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất. Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) do HSBC công bố tháng 4-2015 đạt 53,5 điểm, tăng mạnh so với mức 50,7 điểm của tháng 3 cho thấy một dấu hiệu của sự phục hồi của ngành sản xuất. Sản xuất tăng trưởng sẽ kéo theo sự gia tăng việc làm và sức mua, cùng với sự phát triển của các doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng có thêm những nguyên nhân khác. Chẳng hạn, các ngân hàng không còn mặn mà với trái phiếu chính phủ do lãi suất thấp, mà tập trung nguồn vốn để cho vay sản xuất kinh doanh, tiêu dùng… Bên cạnh đó, dù nguồn tiền gửi tăng chậm lại, nhưng thanh khoản của các ngân hàng vẫn tốt, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vay vốn.
Dù vậy, hệ thống ngân hàng vẫn đang phải đối mặt với những vấn đề lớn như tái cơ cấu hệ thống và nợ xấu. Tổng nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng hiện đang trên mức 3% tổng dư nợ nên các ngân hàng vẫn đang phải nỗ lực giải quyết. Còn nhiều áp lực phải vượt qua, trong đó có vấn đề giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Để thực hiện được điều này là rất khó, vì dư địa giảm lãi suất ngắn hạn gần như không còn. Trong bối cảnh lạm phát từ nay đến cuối năm có dấu hiệu gia tăng, không tăng lãi suất đã là việc khó đối với các ngân hàng. May mà lãi suất huy động tiền gửi ngắn hạn của các tổ chức tín dụng đang thấp hơn mức trần cho phép, nên còn có “vùng đệm” để duy trì mức lãi suất cho vay hiện nay.
Minh Hằng (DNSGCT)