Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm đang tăng sức ép lên giới ngân hàng trung ương khắp châu Á về khả năng giảm lãi suất trong thời gian tới. Đối với giới hoạch định chính sách, cắt giảm lãi suất tiền gửi rõ ràng sẽ đưa nền kinh tế vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ tăng trưởng rất ổn định và lạc quan trong thời gian qua, rất có khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiến hành tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần 10 năm qua kể từ năm 2006, do đó sẽ thu hút đồng tiền đầu tư trên toàn cầu ra khỏi các nước đang phát triển tại châu Á và trực tiếp đổ về Mỹ. Do đó, theo nhận định của giới chuyên gia ngân hàng, sẽ có những biến động lớn xuất hiện trên thị trường tài chính châu Á và toàn cầu. Trong khi đó, quý I năm nay chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đạt mức thấp nhất kể từ năm 2009, do đó Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa đã bắt đầu giảm lãi suất và bơm tiền vào nền kinh tế thông qua nới lỏng hoạt động tín dụng. Theo giới chuyên gia kinh tế tại HSBC và Standard Chartered, cộng hưởng với điều kiện lạm phát thấp cùng với hoạt động tín dụng có vẻ bị thắt chặt suốt nhiều năm qua tại khu vực, việc cắt giảm lãi suất sẽ sớm được triển khai tại hàng loạt nền kinh tế, từ Hàn Quốc đến Ấn Độ. Trong khi Ngân hàng Trung ương Thái Lan và Hàn Quốc vừa cắt giảm lãi suất hồi tháng 3, Ngân hàng Dự trữ New Zealand, Ngân hàng Trung ương Úc, Indonesia và Trung Quốc đã ít nhiều đề cập đến khả năng cắt giảm lãi suất trong quý II năm nay. Nhật Bản, tương tự, được dự báo sẽ tiến hành chương trình kích cầu kinh tế bổ sung sau đợt bơm tiền phi tiền lệ vào nền kinh tế vừa được thực hiện trước đây. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda khẳng định việc kích cầu kinh tế thông qua việc thu mua lại nợ chính phủ sẽ giúp gia tăng lạm phát tại nền kinh kế lớn thứ ba thế giới, đặc biệt sau khi số liệu thống kê ngành bán lẻ tại Nhật Bản hồi tháng 3 vừa qua đã rớt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1998.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), quý I-2015, kinh tế châu Á được dự báo sẽ tăng rất nhanh và vượt xa phần còn lại của thế giới trong bối cảnh giá xăng dầu giảm mạnh và các chính sách kinh tế ủng hộ cho việc tăng trưởng, nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Tăng trưởng trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương chỉ kỳ vọng sẽ giữ ở mức 5,6% trong năm nay, tương tự với năm 2014.
Kiên Lâm theo Bloomberg (DNSGCT)