Đối với hàng nghìn người sống sót sau đợt vượt biên qua khỏi Địa Trung Hải, hành trình của họ chỉ mới bắt đầu tại vùng đất mới sau khi thoát khỏi những kẽ hở tại các trạm kiểm soát biên giới nước Ý và tiến về phương Bắc. Trước tỷ lệ thất nghiệp tại Ý cao ngất ngưởng 13%, rất nhiều người nhập cư mới đến từ các quốc gia Bắc Phi, Ả Rập và Trung Đông quyết định tìm đến các quốc gia giàu có với chính sách phúc lợi tốt hơn tại Bắc Âu, nơi họ có thể tìm kiếm nhiều cơ hội việc làm và gia nhập vào cộng đồng người tỵ nạn tại đây. Được giúp sức bởi cơ chế “mắt nhắm mắt mở” của chính quyền Ý và cơ chế đi lại miễn visa giữa các nước châu Âu, người tỵ nạn tương đối dễ dàng tìm đến bán đảo Scandinavia trước khi nộp đơn xin tỵ nạn. Trong năm 2014, có khoảng 435.000 người nộp đơn xin tỵ nạn tại 28 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) và gần một nửa trong số đó nộp đơn tại Đức và Thụy Điển. Theo Mikael Ribbenvik, Phó giám đốc Sở Di trú Thụy Điển, bất kể EU quy định người vượt biên chỉ có thể nộp đơn xin tỵ nạn tại quốc gia châu Âu đầu tiên họ đặt chân đến, chính quyền Ý vẫn để rất nhiều người tỵ nạn lẳng lặng rời khỏi đất nước họ mà không hề lấy dấu vân tay chứng tỏ họ đã từng hiện diện trên đất Ý. Thậm chí, tại các ga xe lửa ở Milan, rất nhiều người Syria hoặc Lebanon nhận được sự giúp đỡ của cảnh sát, nhân viên tiếp tế và chính quyền địa phương trong việc cung cấp lương thực, tư vấn tỵ nạn trước khi đưa họ lên tàu lửa sang các nước khác.
Trong năm 2014, Thụy Điển, với dân số chỉ 10 triệu người, nhận được 80.000 đơn xin tỵ nạn, với khoảng 30.000 đến từ Syria, trở thành quốc gia châu Âu nhận được nhiều đơn xin tỵ nạn nhất tính theo tỷ lệ diện tích lãnh thổ và dân số. Theo đó, ngân sách sở di trú nước này buộc phải tăng mạnh 50% lên 4,5 tỉ kronor, tương đương 520 triệu USD, trong năm nay để đối mặt với thử thách này. Rất nhiều người tỵ nạn gặp phải khó khăn khi tìm kiếm việc làm, nơi ở và kết quả là họ phải sống bên lề xã hội và bị người bản xứ đón tiếp với sự lạnh nhạt. Thậm chí, phe cánh hữu của chính quyền nước này còn đề nghị cắt giảm số thẻ thường trú nhân cho người tỵ nạn bắt đầu từ năm nay, bất kể số đơn nộp xin tỵ nạn dự báo sẽ tăng lên 105.000. Trong khi đó, tại Đức, vẫn có hàng nghìn người tham gia các đợt biểu tình chống Hồi giáo diễn ra hằng tuần, gia tăng mối quan ngại của người xin tỵ nạn về tâm lý bài ngoại đang gia tăng tại đây.
B. Trịnh theo AFP (DNSGCT)