Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) trong một báo cáo mới đây cho biết, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, giới ngân hàng tại Nhật Bản và Trung Quốc tỏ ra tích cực trong việc mở rộng hoạt động tại nước ngoài. Các ngân hàng tại hai cường quốc hàng đầu châu Á này đã tận dụng nguồn dự trữ ngoại tệ lớn của mình để nắm bắt những cơ hội phát triển ở nước ngoài, trong lúc giới cho vay tại Mỹ và châu Âu còn hạn chế giải ngân. Theo bản báo cáo Ổn định Tài chính Toàn cầu (GFSR) của IMF, nhờ vào chiến lược đa dạng hóa loại hình kinh doanh và đầu tư cũng như quy mô hoạt động lớn hơn, giới ngân hàng Nhật Bản gặp phải ít rủi ro hơn trong vấn đề cung cấp vốn cho các quỹ đầu tư tại nước ngoài. Nhận thấy tiềm năng phát triển trong nước ngày càng suy giảm, ba ngân hàng lớn nhất Nhật Bản đã tăng cường hoạt động cho vay vốn ra nước ngoài lên đến 31% kể từ năm 2013 đến nay, so với con số 18% trong năm 2009; con số tương ứng tại Trung Quốc lần lượt là 9,2% và 6,1%. Trong năm 2015, Bank of China lên kế hoạch thành lập ít nhất tám chi nhánh tại Hungary, Ba Lan và Indonesia. Trong khi đó, Mizuho Financial Group Inc. của Nhật Bản đã đồng ý mua lại các khoản tiền vay ở Mỹ từ Royal Bank of Scotland Group Plc với giá trị 3 tỉ USD và sẽ tuyển dụng ít nhất 130 nhân viên tại Mỹ trong thời gian tới.
Theo IMF, sự khác nhau giữa giới ngân hàng hai nước này là trong khi các ngân hàng Trung Quốc chủ yếu hoạt động dưới hình thức văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại nước ngoài, theo sau sự mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh của các khách hàng người Trung Quốc, thì các ngân hàng Nhật Bản thực hiện chiến lược thâu tóm và sáp nhập, với tổng giá trị lên đến 8,3 tỉ USD, chỉ trong giai đoạn 2012-2014. Trong hoạt động, các ngân hàng Nhật không ngừng đa dạng hóa nguồn doanh thu thông qua việc mở rộng các hình thức kinh doanh thu phí, còn các ngân hàng Trung Quốc thích hoạt động cho vay hơn. Mặt khác, do nhu cầu vay vốn tăng quá nhanh so với mức tiền gửi, các ngân hàng Trung Quốc trở nên lệ thuộc vào hoạt động gửi tiền của các doanh nghiệp, từ đó khiến họ đối mặt với nhiều rủi ro liên quan tới tỷ giá hối đoái và cho vay vượt mức.
B. Trịnh theo Bloomberg (DNSGCT)