Mỹ Xuyên ở cách trung tâm thành phố Sóc Trăng chưa đầy mười cây số, vốn nổi tiếng với thương cảng Bãi Xàu ngày trước. Về ẩm thực, ở đây có món bún gỏi dà ngon ngọt không đâu bằng.
Ai về đất Mỹ Xuyên mà chẳng nghe câu hát: Mỹ Xuyên có bún gỏi dà, có con tép đất đậm đà quê hương. Chung quanh cái tên gọi nghe rất lạ bún gỏi dà này đã có nhiều cách giải thích. Người thì cho rằng nó có nguồn gốc từ xứ Java của Indonesia nên nói trại riết mà Java thành dà. Người khác lại lý giải: nguyên thủy của thứ bún này là một món gỏi cuốn, về sau người ta bỏ cái bánh tráng cuốn đi, gom các thứ bún, thịt, tép, rau… vào tô rồi ăn như và cơm. Sau lại cho thêm nước xúp vào tô và trở thành món bún gỏi dà như hiện nay.
Thành phần quan trọng để có được tô bún gỏi dà ngọt ngon là tép, thịt và nước lèo. Như câu ca ở trên, tép đất Mỹ Xuyên lựa con cỡ ngón tay cái đem luộc với nước dừa tươi. Xong lột vỏ, để nguyên con màu đỏ tươi đẹp mắt mà ăn ngọt ngay. Thịt đùi heo luộc chín xắt sợi. Nồi nước lèo hầm bằng xương heo với tép, tôm khô, nêm ít đường, ớt và nước me chua. Nước mắm ăn bún gỏi dà cũng được pha chế thật đặc biệt: tương xay nhuyễn rồi trộn với đậu phộng rang đâm nát cùng với ít tỏi phi mỡ. Ba thứ ấy hòa lại tạo thành mùi vị rất riêng không lẫn vào đâu được. Rau ăn kèm là giá, bắp chuối thái chỉ, các loại rau thơm như quế, húng cây, húng lủi… Các khâu chuẩn bị xong, cho giá, bắp chuối vào tô, để bún lên trên rồi chế nước lèo vào (trụng qua mấy lần cho bún chín đều) cho ngập bún, sắp thịt, tép, rau thơm lên trên. Để khẩu vị thêm đậm đà có thể vắt thêm chút chanh cùng vài lát ớt. Bún gỏi dà phải ăn thật nóng. Muốn có tô bún gỏi dà ăn “ngậm nghe” còn cần tới kinh nghiệm trong gia giảm gia vị và cách chế biến tương xay sao cho thật khéo.
Những con tép đất lột sạch vỏ, những sợi thịt heo trên mặt nước lèo sóng sánh hương thơm, cộng hưởng với vị mặn, vị ngọt, vị chua… khiến có thể ăn hoài không biết ngán, tô bún ăn hết từ lâu mà vẫn cứ thấy thòm thèm!
Thạch Ba Xuyên (DNSGCT)