Có một mối băn khoăn mà hầu như ai cũng gặp phải khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đó là “Liệu sau khi tốt nghiệp mình có thể tìm được việc làm như ý?”. Trong ngôn ngữ của các nhà tuyển dụng, có một tiêu chí gọi là Employability – tạm dịch là “khả năng được tuyển dụng”. Khi đánh giá ứng viên cho một công việc nào đó, các nhà tuyển dụng sẽ nhìn vào tiêu chí này. Phải nói thêm, employability chưa chắc thể hiện qua điểm số mà còn ở nhiều yếu tố khác. Vậy làm sao để trau dồi employability khi còn ngồi trên ghế nhà trường?
Từ năm năm qua, cả thế giới vẫn đang phải vật lộn với dư chấn của khủng hoảng năm 2008. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến những người tốt nghiệp đại học trong thời điểm này. Đó là chưa kể năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính thức được thành lập, mở ra cơ hội làm việc bình đẳng với tất cả các công dân ASEAN tại các nước trong khu vực. Điều này sẽ dẫn đến sự cạnh tranh ngày càng cao, đặc biệt khi nhiều bạn trẻở một số nước trong khu vực ASEAN có các kỹ năng trội hơn so với mặt bằng chung của giới trẻ Việt Nam hiện nay. Phải nói, mô hình giáo dục cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự chênh lệch này. Trong khi ở các nước phát triển, nền giáo dục từ bậc đại học đã chú trọng đến việc tạo ra nhiều cơ hội cho sinh viên cọ xát ngay từ giảng đường thì ở Việt Nam, sinh viên đa phần vẫn phải tự mình tích lũy kinh nghiệm. Trong khi các nhà tuyển dụng muốn thấy trong bộ hồ sơ của ứng viên một số kinh nghiệm làm việc tối thiểu thì nhiều bạn trẻ chỉ biết lắc đầu nói “do tôi phải tập trung vào việc học”. Trong trường hợp đó, khả năng tìm việc ngay khi tốt nghiệp của các bạn lại giảm thêm.
Chính vì vậy, vấn đề cần được đặt ra là phải nâng cao khả năng tìm việc làm sau khi ra trường bằng cách trau dồi các kỹ năng mềm cũng như các kỹ năng mà những nhà tuyển dụng đang cần ngay khi còn là sinh viên. Đừng đặt nặng trách nhiệm nâng cao khả năng được tuyển dụng của bạn cho nhà trường. Đầu tiên, hãy tìm hiểu xem employability là gì và làm thế nào bạn có thể chủ động trau dồi bằng những cách riêng của mình.
Employability là gì?
Trước tiên, phải nói rằng employability là vấn đề mang tính toàn cầu chứ không chỉ gói gọn trong một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào. Đây cũng chính là chủ đề chính của Hội nghị Sinh viên châu Âu tại Bỉ vừa diễn ra. Khi câu hỏi “Employability – Khả năng được tuyển dụng là gì?” được đưa ra, có rất nhiều câu trả lời khác nhau nhưng cùng gặp nhau ở điểm chung là employability không chỉ được chứng tỏ bằng việc bạn có việc làm hay không. Hơn thế nữa, employability là sự tổng hợp của các yếu tố: cá nhân, xã hội, các yếu tố kinh tếảnh hưởng đến việc bạn có thể bảo đảm và phát triển nghề nghiệp của mình.
Bà Ivana Juraga – Quản lý Dự án tại Hiệp hội các trường đại học châu Âu định nghĩa về employability như sau: “Khả năng tìm được các công việc phù hợp, sau đó thể hiện được hết khả năng của mình cũng như biến công việc thành một nguồn cảm hứng thật sự trong cuộc sống”. Trong khi đó, ông Guntars Catlaks, chuyên viên nghiên cứu tại Education International thì nhấn mạnh về sự đa dạng nhiều mặt của employability: “Đối với tôi, employability là sự tổng hợp của nhiều yếu tố, cùng đem khả năng, năng lực và kiến thức chuyên môn lên bàn cân để đánh giá”.
Việc học ở đại học có giúp nâng cao khả năng được tuyển dụng?
Với nhiều định nghĩa như vậy về employability, cuộc thảo luận bắt đầu chuyển sang vai trò của giáo dục trong việc giúp các sinh viên mới tốt nghiệp nâng cao khả năng được tuyển dụng của mình. Và lời khuyên được đưa ra là, giáo dục ở bậc đại học nên đáp ứng được hai yêu cầu: cung cấp các kiến thức mà thị trường đang cần cũng như giúp sinh viên trau dồi các kỹ năng mềm có thể sử dụng lâu dài trong cuộc sống.
Trong khi yếu tố đầu tiên có thể phần nào nằm ngoài tầm kiểm soát của sinh viên, yếu tố thứ hai lại được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là trong một thế giới phát triển không ngừng. Kiến thức có thể trở nên lạc hậu sau vài năm nhưng các kỹ năng mềm lại giúp các bạn trẻ “sống sót” qua các thay đổi.
Nói vậy không có nghĩa việc học ở đại học là không cần thiết. Ở bất kỳ quốc gia nào cũng vậy, những bạn trẻ học hành đến nơi đến chốn, có kết quả học tập tốt luôn có nhiều cơ hội việc làm hơn, đặc biệt là trong thời điểm thị trường khó khăn và nhiều cạnh tranh. Đó là chưa kể với một số ngành nghề nhất định, giáo dục bậc đại học là không thể thiếu, ví dụ như bác sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư… Nói cách khác, tuy trường đại học không thể cung cấp tất cả những yếu tố cần thiết giúp bạn trang bị khả năng được tuyển dụng nhưng vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp của bạn.
Tia Loukkola, Giám đốc bộ phận Phát triển trường học tại Hiệp hội các trường đại học châu Âu nhớ lại câu chuyện của mình: “Ngày xưa khi còn là một sinh viên ngoại ngữ, tôi không tài nào hiểu được tại sao giáo viên lại bắt mình dành rất nhiều thời gian tóm tắt những đoạn văn dài – nhưng sau này chính kỹ năng đó đã giúp tôi nhanh chóng tóm tắt và rút ra ý chính từ những văn bản pháp lý dài dòng”.
Tóm lại, trường đại học có thể giúp bạn nâng cao khả năng được tuyển dụng nhưng càng về sau bạn mới càng thấy rõ điều này. Khi chọn ngành để theo học, hãy nghĩ rộng hơn về vai trò của ngành học đối với tương lai của bạn, cũng đừng quá lo lắng nếu bạn chưa biết mình cần gì, muốn gì, hoặc đừng vội nản lòng khi thấy môn học mình thích có vẻ sẽ chẳng giúp ích gì mình khi tìm việc làm. Hãy cố gắng suy nghĩ độc lập ngay cả khi bạn bị “hướng” theo khuôn phép, tìm tất cả các cơ hội để trau dồi kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm. Đừng đợi đến khi tốt nghiệp vì lúc đó, bạn đã xuất phát sau rất nhiều bạn cùng lứa khác rồi.
Nhật Hà (DNSGCT)