Trong một tuyên cáo công bố vào tháng 1-2015, tổ chức Liên minh Biển khơi (High Seas Alliance) xác định biển khơi là vùng biển quốc tế nằm ngoài hải phận của các nước, chiếm 2/3 bề mặt các đại dương và 50% diện tích toàn cầu. Chính vì thế, vùng biển khơi cũng nằm ngoài luật pháp của mọi quốc gia, hay nói một cách khác, là khu vực phi luật lệ và không được bảo vệ lớn nhất của loài người. Điều đó dẫn đến nhiều hệ quả bất lợi liên quan đến việc bảo vệ tài nguyên biển, tính đa dạng sinh học ở biển và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm trong môi trường biển. Song song với tuyên cáo của Liên minh Biển khơi, tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) cũng ra lời kêu gọi 193 thành viên của Đại hội đồng LHQ hãy đưa ra một quyết định lịch sử giúp triển khai một thỏa thuận trong khuôn khổ Công ước về Luật biển (UNCLOS) nhằm “bảo tồn và sử dụng bền vững tính đa dạng sinh học biển…”. Lời kêu gọi này phù hợp với chủ trương của LHQ muốn đẩy nhanh quá trình thảo luận để đi đến một thỏa thuận chung trong việc quản lý vùng biển khơi, sau một thời gian dài chín năm không đạt được một bước tiến nào. Bà Kristina M. Gjerde, nhà tư vấn cấp cao về chính sách quản lý biển khơi của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN), cho rằng các nước thành viên Đại hội đồng LHQ đang có cơ hội lịch sử để thông qua một thỏa thuận toàn cầu mới phù hợp với nhu cầu bảo vệ phân nửa hành tinh này. Điều này cũng nằm trong lời cam kết của hội nghị Rio+20 là sẽ đạt đến thỏa thuận vào cuối kỳ họp thứ 69 của Đại hội đồng LHQ dự kiến vào tháng 9-2015.
Chủ trương hình thành một hiệp định chung về biển khơi được sựủng hộ của nhóm 77 nước đang phát triển, 28 thành viên của Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Philippines, Brazil, Jamaica, Trinidad và Tobago, Costa Rica, Mexico, Benin, Pakistan, Uruguay, Uganda cùng nhiều nước khác. Tuy nhiên, trong giai đoạn thương thảo ban đầu, việc hình thành bản hiệp định đã vấp phải phản ứng tiêu cực của một số thành viên quan trọng của LHQ, trong đó có Mỹ, Nga, Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc. Họ chống đối chủ yếu về tiến trình thực hiện văn kiện sẽ ký kết. Cuối cùng, sau bốn ngày thảo luận căng thẳng, vào hạ tuần tháng 1 vừa qua, để kết thúc chín năm đình trệ, LHQ đã đạt được thỏa thuận triệu tập một hội nghị liên chính phủ nhằm dự thảo một hiệp định bảo tồn đời sống biển và quản lý vùng biển khơi vốn nằm ngoài luật pháp của các quốc gia trên thế giới. Thành công này có sự đóng góp to lớn của Liên minh Biển khơi với 27 thành viên phi chính phủ và IUCN, hai tổ chức vận động tích cực cho một sự đồng thuận cao giữa nhiều khác biệt tưởng chừng không dung hợp nổi.
Lê Nguyễn theo BBC, IPS (DNSGCT)