Tại Brazil, từ lâu các bà mẹ đang cho con bú được khuyến khích hiến cho ngân hàng sữa mẹ phần sữa mà con họ không sử dụng hết. Lượng sữa này dành ưu tiên cho các trẻ sinh thiếu tháng mà người mẹ không có sữa để nuôi con. Lời kêu gọi của chính quyền và các tổ chức y tế xã hội Brazil được các bà mẹ nhiệt tình hưởng ứng, năm vừa qua, đã có 166 ngàn bà mẹ cung cấp 165 ngàn lít sữa, giúp cho 170 ngàn trẻ em vượt qua nguy cơ suy dinh dưỡng. Dự kiến năm nay có 86 ngàn bà mẹ cung cấp 97 ngàn lít sữa để bổ sung dinh dưỡng cho 108 ngàn trẻ sơ sinh thiếu sữa mẹ.
Một trẻ sinh thiếu tháng nặng 500g được nuôi bằng sữa từ ngân hàng sữa mẹ
Sau gần 30 năm nỗ lực của chính quyền cùng với sự hợp tác của các bà mẹ, hiện nay tại Brazil đã có 210 ngân hàng sữa mẹ phân phối sữa khắp các bang trong nước. Thành tựu được thể hiện ở những con số đầy ấn tượng: trước thập niên 1990, mức tử vong của trẻ em Brazil cao hơn mức bình quân của thế giới, nhưng từ thập niên 1990 đến nay, Brazil giảm được 73% mức tử vong của trẻ em và trong năm nay (2012) đã chính thức thực hiện được một trong những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mà Liên Hiệp Quốc đề ra vào năm 2000, theo đó, từ năm 1990 đến năm 2015, nước này sẽ giảm được 2/3 số trẻ em dưới năm tuổi bị tử vong. Thành tích trên được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tán dương và sáng kiến được nhiều nước áp dụng. Chính phủ Brazil dự kiến lấy ngày 19-5 hằng năm làm “Ngày hiến sữa thế giới”. Đó là ngày cách nay bảy năm (19-5-2005), 13 quốc gia và tổ chức quốc tế đã ký thỏa thuận đầu tiên nhằm thiết lập một mạng lưới các ngân hàng sữa mẹ trên thế giới. Sự hợp tác quốc tế khởi sự vào năm 2007 khi nhiều nước trong đó có Argentina, Bolivia, Ecuador, Paraguay, Venezuela và Uruguay thiết lập các cơ sở hạ tầng phục vụ việc thu nhận và phân phối nguồn sữa được các bà mẹ hiến tặng vì lý do nhân đạo. Từ châu Mỹ, sáng kiến ngân hàng sữa mẹ lan tỏa sang châu Âu, năm 2008, Tây Ban Nha khánh thành ngân hàng sữa mẹ đầu tiên ở thủ đô Madrid, còn ở Bồ Đào Nha, ngân hàng hình thành tại Bệnh viện Phụ sản Lisbon. Tại châu Phi, Cape Verde là nước đầu tiên hưởng ứng sáng kiến ngân hàng sữa mẹ, với cơ sở đầu tiên hoạt động vào tháng 8-2011. Bên cạnh đó, các dự án tại Mozambique và Angola đang trong giai đoạn triển khai. Song song với việc điều hành các ngân hàng sữa mẹ đã thiết lập, Quỹ Oswaldo Cruz của Brazil (Fiocruz) cũng đã hình thành một trung tâm nghiên cứu về sữa mẹ với mục tiêu tìm hiểu tường tận các đặc tính sinh học, vật lý, hóa học và miễn dịch học của nguồn dinh dưỡng tự nhiên này. Châu Á đang chậm chân trong lĩnh vực trên, trong khi lại là châu lục đông dân nhất thế giới.
Lê Nguyễn tổng hợp