Hoạch định tài chính không chỉ cần đặt ra cho quốc gia, doanh nghiệp mà nên cho cả mỗi cá nhân. Có thể xem mỗi người là một doanh nghiệp thu nhỏ. Trong năm tài khóa của mình, “cá nhân – doanh nghiệp” rất nên có một kế hoạch tài chính riêng, nhằm đảm bảo bản cân đối kế toán của mình luôn “thu lớn hơn chi” và phần dư ra (tương tự phần lợi tức của doanh nghiệp) được dùng để tái đầu tư nhằm giúp khối tài sản của mình ngày càng tăng lên, đảm bảo mục tiêu ngắn hạn là bản cân đối kế toán năm sau tốt hơn năm trước, và mục tiêu dài hạn là một quãng thời gian thảnh thơi sau khi nghỉ hưu vì tài chính được đảm bảo. Điều này càng trở nên quan trọng khi mà trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, tuổi thọ trung bình của con người ngày càng cao và ngày càng có nhiều người làm việc sau độ tuổi nghỉ hưu. Ngoài ra, việc tích lũy cho một cuộc sống dễ chịu những năm cuối đời không hề dễ dàng, do khoản lương hưu nhận được sau này của người lao động có thể ngày càng teo tóp do lạm phát, số người hưởng lương hưu ngày càng nhiều và việc quản lý các quỹ hưu trí còn yếu kém. Cho dù với sự cố gắng cao nhất, phần đông người lao động vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thành kế hoạch tài chính trước tuổi nghỉ hưu. Vậy nên, lập kế hoạch sớm cùng với thực hiện nghiêm túc việc để dành và đầu tư thường xuyên là rất cần thiết. Hãy lên kế hoạch tài chính cá nhân càng sớm càng tốt, xác định cụ thể mình cần bao nhiêu tiền để trang trải cho cuộc sống sau khi về hưu và quyết tâm thực hiện nó. Nếu có lúc nào đó khoản dự kiến này bị thiếu hụt do gặp phải biến cố, chúng ta cần bù đắp ngay khi mọi chuyện tốt đẹp trở lại. Đề phòng những điều không lường trước trong cuộc sống có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch tài chính này, bởi không ai có thể nhìn trước tương lai.
“Một kế hoạch cân bằng” là một báo cáo toàn cầu trong bộ khảo sát “Tương lai hưu trí” – một nghiên cứu độc lập của HSBC, đối tượng là hơn 16 ngàn người tại 15 quốc gia và vùng lãnh thổ (Mỹ, Úc, Canada, Pháp, Singapore, Ấn Độ, Hongkong,…), mới công bố vào hạ tuần tháng 1-2015. Kết quả của báo cáo này có thể giúp chúng ta điều chỉnh kế hoạch tài chính cá nhân của mình để phù hợp với tình hình trong tương lai. Theo đó, đa số những người trong độ tuổi lao động cho rằng họ có thể sẽ sử dụng hết số tiền tiết kiệm và các khoản đầu tư (không kể lương hưu) chỉ sau 11 năm so với khoảng thời gian trung bình 18 năm sau khi nghỉ hưu. Những khó khăn, lo toan từ tình hình tài chính hiện tại khiến cho gần hai phần ba số người trong độ tuổi lao động lo rằng họ không đủ tiền để trang trải cuộc sống hằng ngày lúc về hưu, thậm chí số người lo sợ sẽ cạn nguồn tài chính còn nhiều hơn thế (69%). Vậy nên, để ứng phó với tình huống này, những người trong cuộc khảo sát cho biết họ đang hoạch định các nguồn tài chính bổ sung cho quỹ hưu trí của mình. Thay vì tin tưởng hoàn toàn vào các quỹ bảo hiểm xã hội và các chương trình hưu trí cá nhân, những người “chủ động nguồn tài chính cá nhân” đã tìm thêm các nguồn hỗ trợ khác. Sở hữu tài sản thứ hai được nhiều người lựa chọn, có thể ở trong nước hoặc nước ngoài. Ngoài ra, còn có các tài sản đặc thù khác như vàng, trang sức quý, kim cương. Theo trào lưu hiện đại, ngày càng nhiều người châu Á đã hoặc lên kế hoạch sở hữu đồ cổ và các tác phẩm hội họa làm “của để dành”, dù tỷ lệ vẫn còn thấp hơn mức chung của thế giới. Điều này cho thấy nhiều người không chỉ đang tự phòng ngừa rủi ro tài chính cho mình thông qua các sản phẩm tài chính truyền thống mà còn bằng các tài sản hữu hình.
Nhìn chung, lập kế hoạch tài chính, tích lũy tài sản đa dạng để tạo thu nhập khi về hưu là cần thiết, nhưng điều quan trọng là cần đảm bảo một sự kết hợp hợp lý của thu nhập từ đầu tư và thu nhập từ lương, dựa trên mức độ chấp nhận rủi ro của từng người.
Minh Hằng (DNSGCT)