Vào lúc tranh cãi về chủ quyền ở Biển Đông ngày càng gay gắt thì lần đầu tiên một văn kiện chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ, công bố ngày 5-12-2014, phân tích cặn kẽ yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông trong bản đồ chín đoạn và nêu bật các tính chất mơ hồ, phi lý và phi pháp của các đòi hỏi.
Trong bản nghiên cứu số 143 về các Ranh giới trên biển (Limits in the Seas) mang tựa đề: Trung Quốc yêu sách trên biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông) – China Maritime Claims in the South China Sea, Vụ Đại dương và các vấn đề Khoa học và Môi trường Quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ đã tập trung phân tích sự vô lý trong các đòi hỏi chủ quyền trên biển của Trung Quốc, đặc biệt là yêu sách của “đường gián đoạn” bao quanh các hòn đảo và vùng nước tại Biển Đông.
Ngay trong phần mở đầu, tài liệu dài 24 trang, kèm theo rất nhiều bản đồ dẫn chứng, đã nhắc lại sự kiện Bắc Kinh gởi công hàm cùng tấm bản đồ chín đường gián đoạn đến Liên Hiệp Quốc vào tháng 5-2009 để khẳng định chủ quyền tại Biển Đông, một sự khẳng định đã bị các nước Việt Nam, Indonesia và Philippines phản đối, cho rằng tấm bản đồ đó không có cơ sở pháp lý dựa theo luật biển Liên Hiệp Quốc.
Trong tình hình đó, nghiên cứu của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra nhiều diễn giải khác nhau về các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, để xem diễn giải nào phù hợp với luật pháp quốc tế về biển.
Bản báo cáo của Mỹ đã xem xét ba cách giải thích khác nhau về đường gián đoạn mà Trung Quốc vẽ ra trên Biển Đông: (1) Ranh giới xác định chủ quyền trên các hòn đảo, (2) Biên giới trên biển của một quốc gia – mà ở đây là Trung Quốc, (3) Ranh giới xác định chủ quyền lịch sử.
Nhận định đầu tiên của bản báo cáo này là các đường gián đoạn đã được vẽ rất lung tung, không nhất quán. Trang 5 bản báo cáo ghi nhận: “Công việc mô tả các đường đứt đoạn của Trung Quốc về mặt địa lý rất phức tạp do mâu thuẫn giữa bản đồ năm 2009 và những tấm bản đồ khác cũng của Trung Quốc, chẳng hạn như bản đồ năm 1947, thậm chí cả các bản đồ đương đại (xuất bản năm 2013-2014) vì các bản đồ này cho thấy những đường gián đoạn có kích cỡ khác nhau và ở những vị trí khác nhau”.
Nhận xét khác là các đường gián đoạn – phân thành chín vạch – lại gần bờ biển các nước bao quanh Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Indonesia hay Malaysia, hơn là gần các hòn đảo, chưa nói đến việc rất xa bờ biển Trung Quốc. Một ví dụ: Vạch số 1 chỉ cách bờ biển Việt Nam 50 hải lý và cách đảo Lý Sơn 36 hải lý! Kỷ lục là vạch số 4, chỉ cách đảo Borneo của Malaysia 24 hải lý mà thôi.
Trong phần phân tích, các tác giả bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đã thử tìm hiểu xem phải chăng các đường gián đoạn của Trung Quốc được dùng để xác định ranh giới các đảo mà Trung Quốc đòi chủ quyền, hay là biên giới quốc gia của Trung Quốc. Trong cả hai giả thuyết này, các đường ranh giới đó hoàn toàn không phù hợp với luật lệ quốc tế hiện hành, tức là không có cơ sở pháp lý nào cho việc đòi chủ quyền lịch sử.
Riêng trong trường hợp thứ ba là dùng đường đứt đoạn để xác định chủ quyền lịch sử, thì bản báo cáo xác định là yêu sách của Trung Quốc không phù hợp với luật quốc tế.
Theo bản báo cáo, khi đòi hỏi chủ quyền lịch sử, một quốc gia phải công bố rộng rãi yêu sách đó để quốc tế biết đến. Điều này thường được thực hiện qua các thông báo chính thức. Thế nhưng các tấm bản đồ chín đường gián đoạn khác nhau của Trung Quốc lại không chính xác hoặc không nhất quán, do đó không đáp ứng được điều kiện này.
Ngoài ra, theo báo cáo, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông cũng không đáp ứng ba yêu cầu căn bản: (1) Thẩm quyền không được hành xử một cách công khai, thực thụ và được mọi người biết đến, (2) Thẩm quyền không được hành xử một cách liên tục, (3) Thẩm quyền không có sự chấp thuận của các nước ngoài.
Điều khôi hài là lúc nào Trung Quốc cũng nói đến chủ quyền lịch sử không thể chối cãi của họở Biển Đông. Ngày 7-12-2014 chẳng hạn, theo tin Tân Hoa Xã, trong bản Tuyên bố lập trường về việc bác bỏ vụ kiện của Philippines, Bắc Kinh đã tái khẳng định rằng: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các quần đảo ở Biển Đông (quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa và quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa) và các vùng biển lân cận)”.
Nhưng đối với Bộ Ngoại giao Mỹ, lý luận của Trung Quốc về chủ quyền lịch sử của họ trên Biển Đông không đứng vững. Bản báo cáo kết luận: “Trừ phi Trung Quốc làm rõ rằng yêu sách chủ quyền gói trong các đường gián đoạn chỉ nhắm vào các đảo nằm bên trong và các vùng hải phận được tạo ra từ những thực thể địa dư theo quy định của luật biển quốc tế, như được phản ánh trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, nếu không thì yêu sách chủ quyền thể hiện qua các đường gián đoạn không phù hợp với pháp luật quốc tế về biển”.
T.H tổng hợp (DNSGCT)