Vẽ chậm, triển lãm ít, chọn cho mình một phong cách: vẽ nông thôn – đó là cách bày tỏ của Phùng Quốc Trí, nhưng còn một điều đáng nói nữa về họa sĩ rất mực kín đáo này: từ nhiều năm nay anh rời Hà Nội, lui về một vùng quê để sống và vẽ.
Triển lãm cá nhân của anh tại gallery 8 (8 Phùng Khắc Khoan, Q.1, TP.HCM từ 29-6 đến 22-7) là cơ hội để biết thêm về “hội họa nông thôn” của Phùng Quốc Trí.
Trên trang mạng Soi.com, người ta được biết thêm về lý do Phùng Quốc Trí chọn sống ở nông thôn qua những gì một đồng nghiệp viết về anh: “Phùng Quốc Trí có lẽ là người kiên trì với nông thôn nhất. Sinh năm 1957, tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật Surikov (Nga), về nước năm 1986… Không ở lại thủ đô, bỏ về sống với nông dân, anh lang thang đi vẽ ở Phú Thọ cho đến một ngày được họa sĩ Nguyễn Đức Hòa dẫn về Hiên Vân, Tiên Du, Bắc Ninh – một vùng đất bán trung du cách Hà Nội 30km với những con người đầm ấm, nơi phát xuất những làn điệu quan họ; vùng đất ấy đã giữ chân anh lại đó nhiều năm.
Phùng Quốc Trí quyết định ở lại hẳn Bắc Ninh sau khi tìm được một mảnh đất cheo leo, giữa rừng bạch đàn, trên triền dốc đứng của ngọn Hoàn Sơn, điểm cuối của dãy núi nơi có ngôi chùa Phật Tích danh tiếng. Khác với nhiều người thành phố khi tìm về quê sống, vẫn thường tìm những mảnh đất mà ôtô có thể chạy thẳng vào nhà, bởi đó là một điều mong ước dễ thực hiện hơn nhiều, trong khi ở thành phố tiện nghi ấy là xa xỉ, xưởng vẽ của anh Trí không có được điều đó: ngay chiếc xe máy thì cũng phải gửi dưới chân dốc và leo bộ lên. Hồi đó, có người cho Trí là lập dị, thế nhưng ngày hôm nay, ngồi trong xưởng vẽ của anh, nhìn ra những vòm lá và chút cánh đồng thấp thoáng dưới chân núi, tịnh không có tiếng động cơ, chỉ còn thoảng nghe tiếng con chim sâu nhảy lách tách trên cây mít đầu hè, mới nhận ra là anh đã đúng”.
Không chỉ sống ở nông thôn, anh còn dành toàn bộ tình yêu và sức sáng tạo của mình cho đề tài nông thôn: ban đầu là những cái bếp nhà quê ám khói với ông đầu rau và cái ấm đun nước đen nhẻm, vài cái bát mẻ, chai nước mắm, chiếc chổi cùn quét tro than, cái ghế con con cho người nấu… Và bếp nhà quê nên sắc màu cũng thật đạm bạc, ít oi. Rồi cuộc sống nông thôn trong tranh anh cũng vậy: dưới mái nhà là những bà mẹ bế con, là những người già lặng lẽ, như chờ đợi thời gian trôi đi, trôi đi… Có một nỗi xót xa gặm nhấm người xem khi đứng trước những bức tranh nông thôn ấy. Hình như ta đã quen cuộc sống đô thị hào nhoáng mà quên mất rằng cội nguồn nông thôn của mình, quên rằng xa xưa thì ông bà, tổ tiên ta cũng là người nhà quê. Nói như nhà phê bình Nguyễn Quân thì: “Tiếp xúc với những bức tranh của Phùng Quốc Trí ta giận mình đã giả dối với chính mình mà không biết: tình cảnh băng hoại nhân cách thật đáng trách, đáng thương”.
Có không ít tranh vẽ về nông dân và cuộc sống ở nông thôn nhưng phần nhiều chỉ là sự mô tả, quan sát cảnh sắc và người nhà quê, còn Phùng Quốc Trí thì lặng lẽ “sống và làm việc ở nông thôn” trong suốt gần ba thập niên qua. Chẳng biết anh đã chọn đề tài nông thôn cho cả sự nghiệp nghệ thuật của mình hay chính nông thôn Bắc bộ đã chọn Phùng Quốc Trí làm một người kể chuyện thật đôn hậu, dịu dàng bằng chính những màu sắc thật của nông thôn, mà theo Nguyễn Quân thì “những mảng màu như đất và vôi, vải và thừng, thủy tinh và gỗ, sắt và đá… cũng như da thịt, bàn tay, gương mặt, ánh mắt, dáng điệu, động tác… đều như là những kết quả của thời gian và sự sử dụng, sự sống qua nhân vật và đồ vật, khung cảnh và tình huống chuyển hóa vào nhau tạo nên một sự sống chung rất thực. Thật khó phân biệt, tách bạch những phương tiện và thủ pháp mỹ thuật (mà tác giả hết sức điêu luyện tinh tế, thuần thục dụng công) khỏi những gì chúng thể hiện. Nghệ thuật thật là như vậy”.
- Diên Vỹ