Đã lâu rồi VN-Index mới có một tuần tăng điểm trọn vẹn. Năm phiên tăng điểm liên tiếp (từ 1-12 đến 5-12) trong bối cảnh thị trường vừa điều chỉnh mạnh quả thực như một cơn mưa mát lành đối với nhà đầu tư. Dòng tiền dè dặt bắt đáy ngắn hạn sau quãng thời gian VN-Index lao dốc cùng với việc mua ròng trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài chính là nguồn động lực cho đà tăng của chỉ số trong tuần đầu tháng 12. Tuy nhiên, sức tăng không lớn, năm phiên tăng điểm mà chỉ giúp VN-Index tăng 12,18 điểm, tương đương tăng 2,14%, dừng ở 578,76 điểm. Và điều khiến người ta chưa tin tưởng vào một sự đột phá của chỉ số trong ngắn hạn đó là thanh khoản của thị trường khá yếu ớt. Tổng khối lượng giao dịch bình quân trên HoSE chỉ đạt 111,94 triệu đơn vị/phiên, tương ứng với tổng giá trị giao dịch bình quân là 1.963 tỉ đồng, giảm 14,6% về lượng và 13,84% về giá trị so với tuần trước đó. Còn trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng có chiều hướng tăng, có khác chăng là đã quay đầu giảm nhẹ trong phiên cuối tuần. Sau tuần đầu tháng 12, HNX-Index chỉ tăng 1,21 điểm, tương ứng tăng 1,37%, dừng ở 88,63 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân cũng chỉ là 58,6 triệu đơn vị/phiên, tương ứng với tổng giá trị 829,34 tỉ đồng, giảm 6,94% về lượng và 6,56% về giá trị so với một tuần trước.
Như đã nói, trong những ngày đầu tháng 12, giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài là khá tích cực, đặc biệt là trên sàn HNX, với dòng vốn được đổ vào đều đặn, dù họ vẫn bán ròng mạnh một số cổ phiếu blue-chip. Tính chung cả tuần trên hai sàn, khối ngoại đã mua ròng 8,38 triệu đơn vị cổ phiếu, dù xét về tổng giá trị khối này vẫn còn bán ròng 78,68 tỉ đồng. Trong tuần tới, hai quỹ ETF ngoại chuẩn bị công bố danh mục đầu tư mới. Sẽ có một số cổ phiếu được thêm vào danh mục, một số cổ phiếu khác bị loại ra, tuy nhiên tác động của những điều chỉnh này không còn gây ảnh hưởng nhiều đến thị trường như trước, do hầu hết các nhà đầu tư cá nhân đã dự báo được và điều chỉnh hoạt động đầu tư của mình cho phù hợp. Nhiều nhà đầu tư cá nhân thậm chí còn “đón đầu” khá tốt cơ hội này để chốt lời, hoặc đơn giản là chờ cho hoạt động đảo danh mục này kết thúc mới tham gia mua bán. Giai đoạn mà các nhà đầu tư cá nhân chạy theo xu hướng đầu tư của ETF đã qua, hiện nay các yếu tốảnh hưởng đến thị trường được quan tâm là dòng vốn ngoại, những biến động về kinh tế vĩ mô trong cũng như ngoài nước và đặc biệt là các chính sách của Nhà nước có ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường chứng khoán.
Theo đà giảm của giá dầu thế giới, vào cuối tuần qua giá các mặt hàng xăng dầu tại nước ta cũng giảm nhẹ – lần giảm giá thứ 11 liên tiếp. Thông thường tác động của việc giảm giá xăng dầu với các chỉ số là khá phức tạp. Một mặt, điều này ngay lập tức ảnh hưởng tiêu cực đến các cổ phiếu thuộc nhóm dầu khí, từ đó tác động tiêu cực đến cả hai chỉ số, do các mã GAS, PVD, PVS… đều là các cổ phiếu có ảnh hưởng mạnh đến thị trường. Mặt khác, xăng dầu giảm giá lại giúp cho các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là vận tải ngay lập tức hưởng lợi, khiến cho giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này tăng. Sau đó, do xăng dầu là chi phí đầu vào của gần như tất cả các ngành sản xuất kinh doanh nên sự giảm giá của xăng dầu khiến cho chi phí sản xuất giảm, lợi nhuận tăng, các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả hơn, từ đó tác động đến sự tăng giá cổ phiếu. Thế nên, trong trung hạn, tác động của việc giảm giá xăng dầu là tích cực. Riêng nhóm ngành vận tải, nhựa, hóa chất… là những ngành được hưởng lợi nhất từ xu hướng giảm của giá dầu thì nhiều khả năng sẽ duy trì sự tăng trưởng trong trung hạn. Ngoài ra, đa số cổ phiếu blue-chip đã giảm sâu về vùng giá hấp dẫn cho đầu tư dài hạn, nên sẽ thu hút dòng tiền mua để tích lũy. Áp lực giảm điểm có lẽ không còn nhiều nên trong ngắn hạn nhóm này sẽ đi lên để giúp cho thị trường khởi sắc hơn vào cuối năm.
Phiên giao dịch đầu tuần mới (8-12) tác động của giá xăng dầu lên thị trường đúng như phân tích. Các mã dầu khí giảm điểm, trong đó PVD, PVB, PXS… giảm sàn, các mã GAS, PVS, PGS… cũng giảm mạnh. Tác động giảm của nhóm này khiến cho số cổ phiếu giảm giá thắng thế (155 mã) so với số mã tăng giá (76). VN-Index mất 7,08 điểm, lui về mốc 571,68 điểm. Thị trường đang trong giai đoạn dò đáy, với vùng hỗ trợ 565-566 điểm. Nhiều chuyên gia nhận định rằng vùng điểm này có thể là đáy trung hạn của VN-Index. Nếu đúng như vậy, các áp lực điều chỉnh trong thời gian tới khó phá sâu đáy này. Dù thế, dòng tiền hiện vẫn chưa đủ mạnh để giúp thị trường tăng trưởng. Chỉ khi dòng vốn ngoại quay lại mạnh, có thể vào đầu năm mới, thì mới có một sự gia tăng đột biến của chỉ số.
Thành Huân (DNSGCT)