Đúng ra, tháng cuối năm nay sẽ đánh dấu sự đi lên của thị trường chứng khoán Việt Nam sau một giai đoạn tích lũy, cộng hưởng với những biến chuyển khá tích cực của nền kinh tế – lãi suất giảm, ngành sản xuất công nghiệp phục hồi, lạm phát thấp, thị trường ngoại hối ổn định, GDP tăng trưởng khá… Thế nhưng, những tác động tiêu cực đến từ cả trong nước lẫn thế giới thời gian gần đây khiến cho VN-Index đột ngột giảm điểm mạnh trong nửa cuối tháng 11, đồng thời đem đến những diễn biến khó lường cho tháng cuối năm.
Sau nửa tháng đầu dao động quanh 600 điểm, từ ngày 18-11, VN-Index chính thức rời khỏi mốc này và đà lao dốc ấy chưa có dấu hiệu ngưng lại. Tuần giao dịch từ ngày 24 đến 28-11, với một phiên tăng và bốn phiên giảm, VN-Index đã để mất 21,45 điểm, chỉ còn 566,58 điểm. Nếu chỉ nhìn vào điểm số, chắc hẳn nhiều người sẽ cho rằng thị trường đang suy thoái. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ thì dự báo tương lai là không đơn giản. Sau vài phiên hai sàn giao dịch “đỏ lửa” do tác động của chính sách, cụ thể là Thông tư số 36/2014/TT-NHNN về quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, đa số cổ phiếu đã “xanh” trở lại. Dù vậy, sắc xanh ấy lại không thể giúp VN-Index ngưng đà giảm. Như trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11, toàn sàn HoSE có 134 mã tăng và chỉ có 84 mã giảm, nhưng VN-Index vẫn giảm 6,41 điểm. Đó là do trong số các mã giảm mạnh có những blue-chip vốn có tác động lớn đến chỉ số, như GAS, PVD… Nhìn tổng thể, dòng cổ phiếu dầu khí đang bị bán tháo, đặc biệt sau khi nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) công bố sẽ tiếp tục duy trì sản lượng dầu mỏ dù giá dầu giảm mạnh. Trong cả tháng 11, chỉ số ngành dầu khí giảm đến 18% và khiến cho VN-Index giảm 5,7%. Như vậy, các cổ phiếu dầu khí, cụ thể là GAS, PVD đã giảm khoảng 30% giá trị so với vùng đỉnh. Nguyên nhân khiến cho các cổ phiếu này bị bán mạnh dĩ nhiên là do giá dầu giảm và sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của các công ty dầu khí.
Một tác nhân khác khiến cho VN-Index giảm mạnh phải kể đến động thái bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài. Tháng 11, khối ngoại bán ròng tháng thứ năm liên tiếp trên HoSE và tháng thứ tư liên tiếp trên HNX. Trên cả hai sàn, khối này bán ròng 10,58 triệu đơn vị, tương ứng 942,32 tỉ đồng, trong đó chỉ tuần đầu tiên của tháng là họ mua ròng, sau đó đều bán ròng. Trong tuần cuối cùng của tháng 11, khối ngoại bán ròng các cổ phiếu blue-chip. Ngoài việc các cổ phiếu thuộc nhóm dầu khí bị khối ngoại bán vì giá dầu giảm, còn có nguyên nhân các nhà đầu tư nước ngoài chuẩn bị rút tiền về nhằm đón đầu chính sách thắt chặt tiền tệ trong năm tới của Mỹ. Một khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thực thi chính sách này, lãi suất USD sẽ tăng lên và nguồn cung USD trên thị trường sẽ giảm xuống. Áp lực này khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài phải xem xét lại tỷ lệ cổ phiếu – tiền mặt trong danh mục của mình và bán ra cổ phiếu để hút tiền về. Trong khi đó, tháng 11, cột trụ thứ hai của thị trường là khối tự doanh của các công ty chứng khoán dù không bán ròng như khối ngoại nhưng cũng không mua ròng mạnh như trước. Tính theo giá trị, họ mua ròng 11 phiên và bán ròng chín phiên, tổng cộng mua ròng nhẹ gần 1,1 triệu đơn vị, giá trị gần 19 tỉ đồng. Trước đó, trong tháng 10, khối này còn mua ròng tới 2,8 triệu đơn vị, trị giá 259,7 tỉ đồng.
Qua phân tích trên, có thể thấy rằng nguyên nhân giảm điểm của VN-Index chủ yếu đến từ bên ngoài và nếu vậy tương lai của thị trường vẫn còn là màu xám. Bởi giá dầu thô vẫn đang trong xu thế giảm, nguồn cung tăng lên trong khi cầu không nhiều thay đổi do kinh tế thế giới vẫn chưa hoàn toàn hồi phục. Điều này sẽ tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán của cả thế giới chứ không chỉ riêng nước ta, không chỉ trong tháng cuối năm nay mà cả trong năm 2015.
Dù vậy, sức bật nội tại của thị trường cũng không thể bỏ qua. Sự “đỏ vỏ xanh lòng” (VN-Index giảm nhưng số cổ phiếu tăng giá thắng thế) của thị trường trong mấy phiên vừa qua cho thấy điều này. Sau một đợt giảm sâu, một số cổ phiếu cơ bản đã rẻ hơn nhiều so với trước, mở ra cơ hội bắt đáy cho các nhà đầu tư thích ngược dòng. Dĩ nhiên, họ phải tìm mua những mã cổ phiếu cơ bản, chứ không rót tiền vào các mã có tính đầu cơ với tỷ lệ margin cao.
Sự khó lường của VN-Index thể hiện ngay trong phiên đầu tiên của tháng 12. Gần như cả phiên giao dịch thị trường khá hào hứng với sự tăng giá của đa số cổ phiếu, nhưng đến cuối phiên thị trường bất ngờ quay đầu. Nhiều lệnh bán ra dồn dập khiến cho VN-Index chỉ còn tăng 1,43 điểm, dừng ở 568,01 điểm. Có 110 mã tăng giá so với 119 mã giảm giá, giá trị giao dịch đạt 2.187,6 tỉ đồng.
Thành Huân (DNSGCT)