Một tháng sau khi trần lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn dưới sáu tháng giảm thêm 0,5%/năm (còn 5,5%/năm), đến cuối tháng 11, dù không còn đồng loạt nhưng một số ngân hàng thương mại lớn vẫn tiếp tục điều chỉnh lãi suất tiền gửi. Mức giảm cũng không lớn, chỉ 0,1 – 0,5%/năm ở các kỳ hạn ngắn, nhưng cũng chứng tỏ nhiều ngân hàng đang thừa tiền. Lãi suất cho vay, dù vậy, vẫn chưa giảm thêm, trừ những lĩnh vực ưu tiên. Với lãi suất cho vay ngắn hạn, thì mức 7 – 9%/năm cũng gọi là chấp nhận được, nhưng mức 10 – 11%/năm với kỳ hạn dài thì lại quá sức với đại đa số các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn. Vì sao lãi suất cho vay trung và dài hạn khó giảm thêm?
Lạm phát năm nay thấp kỷ lục (dưới 4%) nhưng có tác động không nhỏ từ việc giá dầu thô thế giới đang giảm mạnh, chứ không phải do nền kinh tế đã thực sự ổn định như ở các nước phát triển. Không ai dám chắc rằng chỉ số lạm phát trong những năm tới có còn ở mức 4% hay không. Mà nếu lạm phát không ổn định quanh mức này, thì chẳng ngân hàng nào dám giảm lãi suất cho vay dài hạn về mức 7 – 8%/năm cả. Trừ khi có một sự tác động từ chính sách, như Ngân hàng Nhà nước đang áp dụng với các lĩnh vực ưu tiên ở các kỳ hạn ngắn. Ví dụ, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào dây chuyền sản xuất mới, hiện đại, các đơn vị này sẽ được vay vốn dài hạn với lãi suất cố định là 7%/năm, khi nào lãi suất cho vay chung vượt quá mức này, ngân hàng thương mại cho vay sẽ được Ngân hàng Nhà nước cấp bù lãi suất, tất nhiên là từ nguồn ngân sách. Chỉ như vậy, mới có nhiều doanh nghiệp dám vay vốn trung, dài hạn và các ngân hàng mới dám cho vay dài hạn với lãi suất cố định thấp. Còn nếu không, các ngân hàng vẫn phải “nắm đằng chuôi” với điều khoản xem xét lại lãi suất cho vay sau mỗi sáu tháng hoặc một năm. Mà nếu vậy thì các doanh nghiệp lại… không dám. Bởi một khi lạm phát đột ngột tăng cao, doanh nghiệp sẽ lãnh đủ, mà giai đoạn 2008-2009 với lãi suất cho vay lên đến trên 20%/năm vẫn còn là nỗi ám ảnh.
Nhiều người sẽ thắc mắc, vì sao trần lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn dưới sáu tháng không giảm thêm, khi mà đa số các ngân hàng lớn và trung bình đều đang huy động với mức thấp hơn mức trần quy định? Một phần vì Ngân hàng Nhà nước muốn duy trì mức lãi suất thực dương cho người gửi tiền, nhưng mặt khác phải chăng nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng nhỏ cũng hút được nguồn tiền gửi từ người dân? Khi mà các ngân hàng lớn dư thừa thanh khoản nên tự giảm lãi suất huy động xuống dưới mức trần, thì đó chính là cơ hội cho các ngân hàng nhỏ thu hút dòng tiền nhờ vào lãi suất “kịch trần”. Báo cáo giám sát tái cơ cấu nền kinh tế của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa công bố đã cho thấy các ngân hàng yếu lại đang có tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động cao hơn so với mức trung bình của hệ thống. Nếu dòng tiền này thực sự giúp các ngân hàng yếu vượt qua giai đoạn khó khăn, tái cơ cấu thành công, trở thành ngân hàng mạnh thì quá tốt. Nhưng nếu không được như vậy và tình trạng này càng kéo dài thì cũng góp phần khiến mặt bằng lãi suất huy động và cho vay khó giảm thêm cho dù lạm phát tiếp tục giảm. Đã có nhiều ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên mạnh tay hơn với các ngân hàng yếu, để người dân phải thận trọng hơn trong việc gửi tiền. Khi ấy, trần lãi suất huy động có thể giảm thêm 1 – 1,5%/năm, kéo theo việc giảm lãi suất cho vay, đặc biệt là lãi suất cho vay dài hạn mà doanh nghiệp đang rất cần. Điều đó sẽ có lợi hơn cho cả doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.
Minh Hằng (DNSGCT)