Báo cáo mới nhất của Chính phủ do Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày trước Quốc hội về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất – kinh doanh năm 2013 của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có cổ phần hay vốn góp của Nhà nước chứa đựng nhiều con số cực lớn, rất đáng chú ý.
Theo đó, kết thúc năm tài chính 2013, cả nước có 796 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trong đó có tám tập đoàn kinh tế và khoảng 100 tổng công ty, 25 công ty TNHH MTV theo mô hình mẹ – con, 309 công ty TNHH MTV độc lập công ích và 354 công ty TNHH MTV độc lập hoạt động sản xuất – thương mại. Tổng tài sản của nhóm doanh nghiệp trên trong năm 2013 đạt 2.869.120 tỉ đồng, tăng 12% so với năm 2012. Vốn chủ sở hữu của toàn nhóm là 1.145.564 tỉ đồng, tăng 15% so với năm 2012, lợi nhuận trước thuế đạt 181.530 tỉ đồng, tăng 15% so với năm 2012.
Tính chung, các tập đoàn và tổng công ty có tổng số nợ phải trả là 1.514.915 tỉ đồng (tăng 9% so với năm 2012), riêng khoản nợ nước ngoài là 315.851 tỉ đồng, trong đó vay ngắn hạn 70.659 tỉ đồng, vay dài hạn 245.192 tỉ đồng. Phần vốn ODA mà các doanh nghiệp trên vay lại của Chính phủ là 54,574 tỉ đồng, vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh là 150.681 tỉ đồng, còn lại là tự vay, tự trả. Số nợ phải trả nếu tính bình quân thì gấp 1,45 lần vốn chủ sở hữu, nhưng có 41 tập đoàn và tổng công ty đã nợ gấp những ba lần. Ôm số nợ lớn nhất là Tập đoàn Dầu khí quốc gia với 163.063 tỉ đồng, Tập đoàn Điện lực với 78.583 tỉ đồng, Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản với 49.566 tỉ đồng…
Tổng nợ phải thu của toàn nhóm là 298.645 tỉ đồng (bằng 11,3% tổng tài sản, tăng 1,6% so với năm 2012), trong đó nợ phải thu khó đòi là 10.329 tỉ đồng (tăng 15,8% so với năm 2012). Có tỷ lệ phải thu khó đòi ở mức rất cao là Tổng công ty Chè (29.187 tỉ đồng, chiếm 59% tổng nợ phải thu), kế đó là Tổng công ty Công nghiệp ôtô (11 tỉ đồng).
Nhìn chung, các tập đoàn và tổng công ty lớn bảo toàn được vốn chủ sở hữu (hệ số bảo toàn vốn bình quân là 1,27 lần) nhưng cũng có nhiều tổng công ty không bảo toàn được. Các doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu âm được điểm tên là Tổng công ty Hàng hải (-2.177 tỉ đồng), Tổng công ty Cơ khí xây dựng (-316 tỉ đồng), Tổng công ty Xăng dầu quân đội (-205 tỉ đồng)…
Đứng đầu danh sách lỗ nặng là Tổng công ty Hàng hải (4.562 tỉ đồng), đi sau là Tổng công ty Lắp máy (346 tỉ đồng), Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC (337 tỉ đồng), Tổng công ty Xây dựng đường thủy (289 tỉ đồng), Tổng công ty Lương thực miền Nam (218,46 tỉ đồng), Công ty Chế biến xuất nhập khẩu – nông sản thực phẩm Đồng Nai (110,5 tỉ đồng), Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (55,8 tỉ đồng), Tổng công ty 15 (thuộc Bộ Quốc phòng, 47,58 tỉ đồng), Tổng công ty Xây dựng đường thủy (44,9 tỉ đồng), Công ty TNHH MTV Haprosimex – Hà Nội (35,676 tỉ đồng)…
Nguyễn Thắng (DNSGCT)