Theo nhận định của ông Roberto Azevedo, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hiện nay, số lượng các thỏa hiệp mậu dịch khu vực (RTA: Regional Trade Agreement) đã bùng phát rất mạnh và điều này tác động không nhỏ lên các mối quan hệ thương mại toàn cầu.
Từ trước năm 1994, Thỏa thuận chung về Thuế quan và Mậu dịch (GATT), tiền thân của WTO, đã đặt nền tảng cho sự đa phương hóa các mối quan hệ thương mại. Và khi WTO ra đời, các mối quan hệ đó ngày càng được củng cố. Tuy nhiên, ngày nay, với sự xuất hiện ngày càng nhiều các RTA, vấn đề đang được đặt ra là liệu sự kiện này tác động như thế nào lên mậu dịch toàn cầu? Những dữ liệu do WTO vừa công bố cho thấy hiện có 253 RTA đang được thực hiện trên khắp thế giới, hơn 80% trong số đó là các thỏa hiệp song phương. Theo nhận định của các nhà phân tích, việc ký kết và thực hiện các RTA là một sáng kiến quan trọng, nhưng chúng không thể thay thế hệ thống thương mại đa phương. Trước tiên, trong quan hệ thương mại giữa các nước, có những vấn đề chỉ có thể được giải quyết hiệu quả trong khuôn khổ đa phương, thông qua WTO. Mặt khác, các RTA dưới hình thức song phương dễ đưa đến những thỏa thuận vượt ra ngoài các chuẩn mực của WTO, một khi đưa đến tranh chấp, sẽ khó được tổ chức quốc tế này dàn xếp, giải quyết. Những vấn đề toàn cầu chỉ có thể được giải quyết bởi các giải pháp toàn cầu, đó là bài học kinh nghiệm đã được rút ra từ nhiều năm qua. Cuối cùng, các RTA biểu thị khuynh hướng tự do hóa của các thành viên WTO và sự tự do này đã góp phần làm vỡ vụn hệ thống mậu dịch toàn cầu rất cần sự thống nhất trong việc đạt tới hiệu quả cao nhất. Nhiều nhà phân tích và tổ chức kinh tế đang nghiên cứu việc đưa các RTA vào một thứ khuôn khổ vừa không mất đi tính sáng tạo, tính đặc thù của mỗi khu vực, vừa đảm bảo được những đòi hỏi của một nền kinh tế mang tính toàn cầu. Đó không phải là một việc làm dễ dàng.
Lê Cẩn theo IPS, Telegraph