Trong số báo trước, chúng ta đã được biết những khác biệt trong giảng đường khiến cho các du học sinh phải thập phần vất vả. Kỳ này, lại là cú sốc văn hóa đến từ cuộc sống với người bản xứ.
Cuộc sống khác với tưởng tượng
Nếu chỉ là để học hỏi kiến thức, việc du học chắc chắn sẽ không phải là mơ ước của nhiều bạn trẻ đến như vậy. Mong ước được khám phá và trải nghiệm những chân trời mới luôn song hành cùng với tuổi trẻ. Tuy nhiên, cũng chính vì còn chưa có nhiều kinh nghiệm với cuộc sống nên các bạn trẻ dễ rơi vào tình trạng ảo tưởng và tô vẽ quá nhiều về một cuộc sống màu hồng khi đi du học. Tác động của phim ảnh, văn học, âm nhạc… khiến cho nhiều bạn trẻ có những hình dung không hoàn toàn chính xác với thực tế của đất nước “trong mơ”. Đó chính là lý do mà nhiều bạn trẻ đã gặp phải các cú sốc khi bắt đầu cuộc sống du học của mình.
Hướng đến cái tốt đẹp hơn luôn là tâm lý bình thường của bất cứ ai, nhưng khi chuyện “hướng” đó bắt nguồn từ một nền tảng không hợp lý, sẽ dẫn đến những ước mơ viển vông. Đặc biệt khi căn bệnh “chán” và “than” đang lan rộng trong một bộ phận giới trẻ, nhiều bạn có xu hướng hay than thở, chê bai về những việc chưa tốt trong nước, chê bai “người Việt Nam, nước Việt Nam” thế này, thế kia. Trong hình dung của các bạn đã có một sự so sánh ngầm giữa nước mình và những đất nước mà các bạn chưa có cơ hội đặt chân đến. Có những điều đúng, nhưng cũng có không ít điều được tô vẽ và tưởng tượng quá lên. Mỹ Ngọc – du học sinh Mỹ chia sẻ: “Bây giờ nhìn lại tôi mới thấy những suy nghĩ lúc đó của mình thật trẻ con. Tôi đã tự tưởng tượng ra một “thiên đường” và áp đặt những tiêu chuẩn đó vào trong cuộc sống của mình khi du học. Xã hội nào cũng có mặt trái, chưa kể với một người không được sinh ra và trưởng thành tại xã hội đó, những “mặt trái” đó lại càng khó thích nghi hơn”.
“Khi còn ở Việt Nam, tôi không phải thuộc dạng hoạt bát, không có khả năng nói chuyện hài hước hay cảm thấy thoải mái khi trò chuyện với người mới quen. Nhưng tôi vẫn là người rất thích có nhiều bạn và có đời sống xã hội phong phú. Những bộ phim Mỹ làm cho tôi thật sự thích thú khi thấy họ bắt chuyện với nhau rất dễ dàng, giao tiếp rất hồn nhiên và cởi mở. Tôi đã từng mơ về một cuộc sống nơi tất cả mọi người đều vui vẻ, ấm áp, nhưng trên thực tếở đâu cũng có những người cởi mở và những người khó tính, có những người nhiệt tình và cả những người lạnh lùng. Không phải cứ ra đường gặp ai là cũng có thể trò chuyện và trở thành bạn thân, đặc biệt là khi tôi chưa quen với cách thức giao tiếp của họ. Sau đó tôi mới nhận ra rằng, ở đâu cũng vậy, ngay cả trong nước lẫn ngoài nước, chính mình phải là một người hoạt bát, thân thiện thì mới có thể có được nhiều bạn. Nói thì dễ nhưng làm mới khó, nhất là khi chỉ một mình ở một đất nước xa lạ. Khi nhận ra không thể nào đổ lỗi vào hoàn cảnh nữa, tôi mới tìm cách để thay đổi bản thân một cách nghiêm túc” – Mỹ Ngọc chia sẻ thêm.
Câu chuyện của Minh Đức lại hoàn toàn khác: “Tôi hoàn toàn không có vấn đề gì với Việt Nam khi đi du học, không những vậy tôi còn rất tự hào về đất nước mình và mang sự tự hào đó làm hành trang khi đi du học. Cũng may là tôi hiếm khi bị kỳ thị vì là người châu Á, nhưng cũng không vì thế mà không gặp phải những việc khó chịu. Người nước ngoài, có nhiều người có hiểu biết rộng, nhưng cũng có những người kiến thức hạn hẹp. Nhất là khi suy nghĩ của họ bị bó hẹp trong những cái “chỉ nghe nói” mà chưa bao giờ tận mắt chứng kiến. Có những lần, họ chỉ vô tình hỏi liệu tôi có làm những việc kỳ quặc mang tính “nghi lễ truyền thống” mà tôi chưa hề nghe đến bao giờ. Rồi có những người nghĩ đến Việt Nam là nghĩ đến chiến tranh, lạc hậu. Họ tỏ ra bất ngờ khi thấy tôi cũng có suy nghĩ hiện đại, các kỹ năng sử dụng công nghệ như bất kỳ bạn trẻ nào trên thế giới. Những lúc như vậy, tôi không khỏi cảm thấy “ấm ức” vì những người đó hoàn toàn không có ý xấu mà họ thật sự chỉ biết về Việt Nam như vậy. Chính điều đó làm tôi càng cảm thấy chạnh lòng. Nhưng rồi tôi cũng học cách làm quen với chuyện này và tự nhủ: Vậy thì mình phải cố gắng làm một sứ giả để nói cho mọi người hiểu rõ hơn về Việt Nam”.
Những mong đợi không thành hiện thực
Ngoài những cú sốc do môi trường và những người xung quanh mang lại, không ít bạn trẻ gặp phải những cú sốc từ chính mình. Câu chuyện của Mỹ Ngọc về việc giao tiếp và kết bạn cũng là câu chuyện chung của không ít bạn trẻ. Có nhiều bạn khi gặp phải vấn đề này thì càng thu mình lại. Nhiều bạn khi đi du học (đặc biệt là ở những trường, những thành phố có nhiều người Việt) chỉ muốn co cụm trong cộng đồng đồng hương của mình. Với những người chưa giỏi tiếng Anh, điều này lại làm họ mất đi cơ hội để trau dồi tiếng Anh của mình. Và khi đã quen co cụm như vậy, họ sẽ mất đi sự cố gắng giao tiếp và kết bạn với các bạn nước ngoài. Việc này vô tình làm cho họ ngày càng cảm thấy lạc lõng giữa một xã hội không thuộc về mình.
Được xa gia đình và sống tự lập, sẽ có những bỡ ngỡ, khó khăn, nhưng cũng không ít điều thú vị. Nhất là khi được phép tự do làm những điều mình muốn, những trải nghiệm “ngông” một chút để đánh dấu khoảng thời gian tuổi trẻ. Thế nhưng sự “mất kiểm soát” đột ngột này, cộng với những bồng bột tuổi trẻ và một môi trường tự do phương Tây đã làm không ít bạn trẻ bị “chệch hướng”.
Xuân H. kể về câu chuyện của những du học sinh xung quanh: “Có nhiều bạn mơ tưởng đến một cuộc sống như trong các bộ phim. Khi sang đến nơi đã lao vào yêu đương. Nhưng một khi bạn đã cho phép mình “thoáng” thì xã hội phương Tây sẽ đẩy bạn đi rất nhanh. Những bạn trẻ sinh ra ở đây, họ đã quá quen với cuộc sống này nên ít ra họ còn tự chủ và bình tĩnh. Có không ít bạn trẻ Việt Nam khi lao vào guồng yêu đương, mới đầu chỉ với mong muốn có một tình yêu lãng mạn như trong phim, nhưng sau đó lại bị cuốn đi. Ở đâu cũng vậy thôi, tình cảm nghiêm túc cần phải có một thái độ nghiêm túc. Theo tôi, đó chính là một cú “sốc”. Tôi có một cô bạn cứ nghĩ khi “yêu” là phải theo phong cách “phương Tây”. Kết quả là bạn đó toàn gặp phải chuyện trắc trở, không như ý. Đi học là mục đích chính nhưng lúc nào bạn ấy cũng có chuyện buồn. Khi thì nằm bẹp ở nhà để khóc, khi thì trốn học để đi đâu đó cho khuây khỏa”.
“Biết là chuyện trải nghiệm cuộc sống cũng quan trọng không kém gì việc học. Nhưng quan trọng hóa chuyện trải nghiệm đến mức làm những buồn vui trong cuộc sống ảnh hưởng đến việc học thì không nên”, Xuân H. kết luận.
Nhật Hà