Đầu tháng 11 này, bộ phim Interstellar (Hố đen vũ trụ) được ra mắt tại Việt Nam và trên toàn thế giới, đã tạo nên những làn sóng dư luận khác nhau về tác phẩm vũ trụ đầu tiên của đạo diễn lừng danh Christopher Nolan. Có người rất yêu thích, có người ca ngợi, có người thán phục, nhưng cũng có không ít người tỏ ý thất vọng vì tác phẩm không như mong đợi. Dĩ nhiên, khó lòng có một bộ phim xuất sắc hoàn hảo nào có thể làm vừa lòng tất cả khán giả, tuy nhiên không thể phủ nhận rằng Interstellar đã truyền tải đến cho khán giả rất nhiều thông tin vô cùng thú vị bên ngoài dải thiên hà xa xôi kia, những điều chúng ta đang khám phá và khát khao được khám phá. Phim về đề tài vũ trụ không hề mới lạ với khán giả, nó đã có từ rất lâu đời, nhưng theo thời gian trôi đi, càng ngày các tác phẩm về vũ trụ càng trở nên thú vị hơn rất nhiều, không chỉ bởi sự hỗ trợ tuyệt vời của kỹ xảo, mà còn bởi những ý tưởng đầy đột phá của các nhà làm phim tại Hollywood.
Phân loại đơn giản về dòng phim vũ trụ
Có lẽ do bộ phim khoa học viễn tưởng đầu tiên A Trip to the Moon (phim câm của Pháp ra mắt năm 1902) lấy đề tài về vũ trụ, cho nên loại hình phim về vũ trụ đã sớm là một bộ phận không thể thiếu của dòng phim khoa học viễn tưởng. Tiếp dần theo đó là những kế hoạch chinh phục vũ trụ của con người trở thành hiện thực, cũng đã góp phần làm phong phú thêm khát vọng khám phá vũ trụ của những nhà điện ảnh. Nếu cần phân loại về thể loại phim vũ trụ thì ta có thể đơn giản chia làm hai loại: phong cách hiện thực và phong cách viễn tưởng.
Phong cách hiện thực thường là những tác phẩm miêu tả về tiến trình phát triển, tìm tòi, khám phá của loài người đối với vũ trụ hay những sự kiện mang tính chất tài liệu như The Right Stuff (1983), Apollo 13 (1995). Phong cách viễn tưởng thì có loạt phim Star Wars hay loạt phim Star Trek. Nhưng cũng có không ít tác phẩm có sự pha trộn hài hòa giữa cả hiện thực lẫn viễn tưởng như 2001: A Space Odyssey, Gravity hay Interstellar, nhưng thành phần viễn tưởng trong các bộ phim này không phải có từ những ý tưởng bay bổng nào đó, mà hoàn toàn được dựa trên cơ sở khoa học vật lý có thật đã được chứng minh, hay những khái niệm của các khoa học gia nổi tiếng. Thực tình thì những tác phẩm điện ảnh thuộc dòng vũ trụ này cũng không cần phân chia quá rõ ràng, hai phong cách hiện thực và viễn tưởng luôn được đan xen vào nhau. Những bộ phim vũ trụ phong cách viễn tưởng cũng mang trong mình ý nghĩa hiện thực. Vì vậy, bất luận vũ trụ xuất hiện trên màn ảnh rộng thuộc loại phong cách hay hình thức nào, thì nó cũng luôn thể hiện một điều: khát vọng chinh phục và khám phá vũ trụ của loài người không bao giờ có hồi kết.
Bước đột phá của 2001: A Space Odyssey
Vào tháng 5-1961, NASA tiến hành thực hiện Project Apollo, chính thức hướng đến chinh phục mặt trăng. Quyết định này cũng ảnh hưởng phần nào đến nền điện ảnh của Hollywood. Quan niệm thịnh hành của khán giả chuyển từ những bộ phim cao bồi miền viễn Tây sang những bộ phim nói về không gian rộng lớn của vũ trụ. Rất nhiều tác phẩm được ra đời, nhưng gây đột phá to lớn là bộ phim 2001: A Space Odyssey của đạo diễn Stanley Kubrick, ra mắt vào tháng 4-1968. Tuy bộ phim chỉ giành được một giải Oscar duy nhất cho hạng mục Kỹ xảo xuất sắc nhất, nhưng theo thời gian trôi đi, kiệt tác sử thi về vũ trụ này càng ngày càng tỏ rõ sức mạnh đột phá của nó. 2001: A Space Odyssey không chỉ là bộ phim đề tài vũ trụ vĩ đại nhất trong lịch sử, mà còn là một tấm gương chói sáng cho sự phát triển kỹ xảo và nghệ thuật của nền điện ảnh thế giới. Năm 2001 đã qua đi từ lâu, chuyến du hành vũ trụ và chiếc máy tính sát thủ trong phim đã không trở thành hiện thực, tuy nhiên những dự đoán, những quan điểm và suy luận về sự tiến hóa, về nhân loại, về vũ trụ của bộ phim thì vẫn có tác dụng hữu ích.
Christopher Nolan nhiều lần bày tỏ Stanley Kubrick là “thần tượng” ông luôn thán phục, và bộ phim Interstellar cũng bị ảnh hưởng rất nhiều từ 2001: A Space Odyssey. Khi bắt tay thực hiện Interstellar, Christopher Nolan cũng khát khao và tự đặt mục tiêu to lớn cho mình, chính là phải làm nên những khung hình gây chấn động con tim khán giả được như 2001: A Space Odyssey. Đến ngay cả đạo diễn Alfonso Cuarón cũng cho rằng 2001: A Space Odyssey không những là bộ phim vũ trụ xuất sắc nhất, hơn nữa còn là bộ phim điện ảnh xuất sắc nhất từ trước đến nay. Khi Alfonso Cuarón lên kế hoạch thực hiện bộ phim Gravity, ông gần như tham khảo hầu hết các bộ phim đề tài vũ trụ, duy nhất ông không dám xem 2001: A Space Odyssey, vì lo lắng rằng những hình ảnh xuất sắc trong bộ phim sẽ gây nên ảnh hưởng tâm lý, khiến ông không thể toàn tâm thực hiện bộ phim Gravity.
Phim vũ trụ hiện thực dễ có duyên với Oscar
Dòng phim vũ trụ hiện thực có đến ba tác phẩm xuất sắc từng nhận được đề cử Oscar Phim truyện xuất sắc nhất là The Right Stuff, Apollo 13 và Gravity. Hai phim 2001: A Space Odyssey và Gravity đều nhận đề cử Oscar Đạo diễn xuất sắc nhất, nhưng Alfonso Cuarón may mắn hơn Stanley Kubrick để có thể ôm tượng Oscar trở về nhà. Những hạng mục chuyên về kỹ thuật như kỹ xảo, âm thanh, hình ảnh, dựng phim… thì hầu hết những bộ phim vũ trụ hiện thực rất dễ ôm trọn là điều không phải suy nghĩ. Và liệu rằng tác phẩm Interstellar có giúp cho dòng phim này nở mày nở mặt giành giải Phim truyện xuất sắc nhất tại lễ trao giải Oscar 2015 hay không? Đây là một dự đoán khiến không ít người hồi hộp. Christopher Nolan chưa từng được nhận đề cử Oscar Đạo diễn xuất sắc nhất, nhưng năm 2011 bộ phim Inception của ông thì được đề cử Oscar Phim truyện xuất sắc nhất. Đường đi sẽ lắm chông gai vì năm nay cũng có không ít tác phẩm xuất sắc, nhưng biết đâu Interstellar lại tạo nên một cú lội dòng ngoạn mục?
Trong tương lai cũng có không ít tác phẩm điện ảnh vũ trụ xứng đáng để khán giả mong chờ như hai tác phẩm The Martian và Prometheus 2 của đạo diễn kỳ cựu Ridley Scott; một tác phẩm về cuộc đời Neil A. Armstrong được cải biên từ cuốn hồi ký First Man: The Life of Neil A. Armstrong, dự kiến sẽ do Damien Chazelle đạo diễn; hay như một bộ phim về lỗ đen vũ trụ cũng đang được rục rịch lên dự án.
Thanh Vân