Cây bần mọc rậm rạp trên triền kênh rạch miền Tây Nam bộ còn có cái tên rất duyên dáng là thủy liễu – gắn với giai thoại thuở vua Gia Long bôn đào lánh nạn ở đất Cửu Long. Bông bần, trái bần được người dân quê chế biến nhiều món ăn.
Bông bần tách lấy nhụy, rửa sơ qua nước muối rồi rửa lại bằng nước lạnh, để ráo đem trộn với mắm cá chốt nguyên con xé hai, ba.Rắc ít lá rau thơm, ngò gai, ớt hiểm chín đỏ lên phía trên dĩa gỏi bông bần, cạnh đó là mấy trái bần chín bẻ đôi, bẻ tư. Không cần trộn thêm gia vị gì hết vào gỏi bởi đã có vị chát của nhụy bông, vị mặn, ngọt của mắm, vị chua của trái bần, tất cả hòa quyện tạo nên món ăn đồng quê ngon miệng. Sang hơn, có thể thêm vào dĩa gỏi ít con tép bạc luộc hay mấy miếng lỗtai heo luộc chín xắt sợi…
Giản dị hơn nữa là khi làm đồng về, lượm vội mấy trái bần chín rụng ngoài bờ mương, sẵn có mắm sống giở ra ăn với chén cơm nguội đỡ dạ để nghỉ ngơi chuẩn bị cho buổi làm đồng ban chiều. Trái bần chín còn được dùng nấu canh chua, ngon nhất là với cá rô mề dính câu hay chạy lọp. Hái ít cọng bông súng ma mọc ngoài ao lặt sạch.Bắc nồi nước sôi, bẻ trái bần chín bỏ vào rồi lược cho sạch hột bần.Thả cá vào nồi, cuối cùng là rau bổi. Canh chín, rắc thêm ngò gai, ớt hiểm… Nồi canh có mùi vị chua dịu nhẹ của bần, vị ngọt của cá, thêm sắc trắng, tím của bông súng vừa đẹp vừa ngon miệng.
Từ tháng Chạp đến tháng Giêng ta, chuột cơm ngoài đồng ruộng béo tròn, bắt về làm sạch, để ráo rồi chặt miếng vừa ăn hay bằm nhuyễn tùy ý thích của mỗi người. Đọt bần non rửa sạch, xắt sơ. Bắc chảo, phi tỏi mỡ rồi cho thịt chuột vào xào, khi thịt chuyển sang màu vàng sậm thì cho đọt bần vào xào tiếp. Nêm bột ngọt, đường, nước mắm, ớt bằm trộn đều cho thấm. Món xào này ăn nóng với cơm, thịt chuột chấm nước mắm tỏi ớt.
Minh Thương