Nhà sản xuất phim Trần Trọng Dần là một kỹ sư điện tử người Việt khá thành công trên đất Mỹ với chín bằng sáng chế được công nhận. Anh còn được biết đến là người tâm huyết với nền điện ảnh quê hương. Với cương vị trước đây là Phó giám đốc Liên hoan Phim Việt Nam tại Mỹ (Vietnamese International Film Festival – ViFF), anh đã tích cực trong việc hỗ trợ và quảng bá phim của các đạo diễn Việt Nam.
Ngoài ra, Công ty Coco Paris Film của anh chính thức tham gia thị trường làm phim với các phim Ngôi nhà trong hẻm, bộ phim đã được chiếu rộng rãi ở các bang của Mỹ, Dịu dàng, bộ phim đã được chiếu trên nhiều liên hoan phim thế giới, và gần nhất đây là Liên hoan phim quốc tế tại Hà Nội (Hanoi International Film Festival – HaniFF). Anh Trần Trọng Dần sang Mỹ định cư từ nhỏ nhưng niềm tự hào là người gốc Việt Nam trong anh vẫn vẹn nguyên. Anh nói: Về Việt Nam, tôi cảm nhận ngay được một sự ấm áp trong tình người, ngay cả với những người mới gặp nhau một, hai lần. Khi làm việc, các đối tác cũng thể hiện cách làm ăn trọng tình trọng nghĩa, đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Đây là một lý do chính vì sao tôi rất muốn chia sẻ nét đẹp này đến với thế giới qua phim ảnh.
____
Nhiều người chấp nhận bỏ thời gian, công sức và cả tiền bạc để mang lại hoạt động văn hóa cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài, quảng bá con người, hình ảnh quê hương ra thế giới…
Cảm ơn vì sự trân trọng. Tôi không phải là người nghiên cứu chuyên sâu về nghệ thuật, nhưng tôi đã sống khá lâu trên đất Mỹ nên có điều kiện tìm hiểu về điện ảnh của Mỹ và thế giới. Vì vậy những người như tôi khi phục vụ liên hoan phim ViFF, đều cố gắng giúp phim Việt được công chiếu trên toàn thế giới.
Trước đây, ViFF được tổ chức hai năm một lần nhưng hai năm trở lại đây thì tổ chức thường niên. Phim của các đạo diễn Trần Anh Hùng, Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Bùi Thạc Chuyên, Phan Đăng Di, Victor Vũ, Khoa Dỗ, Hàm Trần… đã được chiếu tại ViFF để đến với khán giả nước ngoài.
____
Với vị trí là phó giám đốc, hẳn anh giữ những nhiệm vụ rất quan trọng trong tổ chức ViFF?
Tôi cùng với nhiều người phụ trách về việc tìm kiếm tài trợ cho liên hoan phim, chọn phim, xây dựng chương trình, làm người dẫn chương trình… Các thành viên trong liên hoan phim tuy mỗi người một việc, nhưng nhiệm vụ của ai cũng quan trọng cả.
Nhiều người Việt xa xứ không mấy quan tâm đến phim trong nước vì ít có cơ hội. Chúng tôi cố gắng tạo cơ hội cho người Việt xa xứ lâu năm thấy được phim Việt hiện đại. Phim được trình chiếu tại ViFF thể hiện sự đầu tư công phu từ nội dung đến hình thức, thay đổi quan niệm của khán giả về phim Việt Nam. Từ đó, thêm nhiều người Việt Nam đang sống và làm việc nơi đất khách có thể cảm thấy tự hào đi xem phim Việt Nam tại những rạp gần kinh đô điện ảnh Hollywood…
Hơn nữa, hãng phim nào cũng muốn phim của mình đến được với đông đảo khán giả cả trong lẫn ngoài nước nhưng việc quảng bá, phát hành phim Việt ra nước ngoài vẫn còn nhiều chông gai. Chi phí thực hiện các khâu để một bộ phim có thể tiếp thị với thị trường thế giới là không nhỏ. Bài toán giải thích phong cách làm sao phim Việt có thể “lấn sân” sang thị trường thế giới thật sự không phải đơn giản.
“Chúng tôi cố gắng tạo cơ hội cho người Việt xa xứ lâu năm thấy được phim Việt hiện đại.”
____
Là người có nhiều kinh nghiệm phát hành phim ở nước ngoài, xin anh chia sẻ thêm về cách làm để phim Việt có thể phát hành ra thế giới nhiều hơn?
Để phim Việt có thêm cơ hội phát hành ở nước ngoài, nhà sản xuất có thể thực hiện mục tiêu của mình bằng cách tìm hiểu văn hóa, tâm lý và nhiều yếu tố khác của thị trường mà mình muốn xâm nhập, tức là phải “nhập gia tùy tục”. Xem nhiều phim hiện đại của thị trường sẽ giúp mình biết trình độ của điện ảnh và sự yêu chọn của khán giả nước ấy. Chẳng hạn như phim muốn chiếu được ở Mỹ thì cần có “tính cách” Mỹ trong công nghệ, hình ảnh. Tuy nhiên, tôi nghĩ những phim thể hiện nét thuần Việt thường có nhiều cơ hội hơn những phim giống các nước khác.
____
Còn việc phát hành phim ở các cụm rạp ở các bang của Mỹ, như trường hợp phim Ngôi nhà trong hẻm của anh thì sao?
Phim Ngôi nhà trong hẻm được đánh giá cao nên được một công ty phát hành tại Mỹ mua bản quyền và phát hành đồng thời tại những bang như New York, California, Houston, Texas và Virginia. Còn trường hợp các phim không thể “lọt vào mắt xanh” của các công ty phát hành ở Mỹ thì nhà sản xuất phải tự thuê rạp để trình chiếu, việc này tốn kém chi phí không ít.
____
Một số doanh nghiệp làm âm nhạc Việt cho người Việt ở Mỹ khá thuận lợi. Vậy làm phim cho người Việt ở Mỹ có thuận lợi như thế không?
Phần lớn người Việt ở Mỹ đều quen thuộc với việc đi xem ca nhạc hơn xem phim Việt vì họ chưa biết nhiều về phim trong nước như tôi nói ở trên. Hơn nữa, số lượng người Việt ở Mỹ không nhiều. Quận Cam được xem là nơi tập trung đông đảo người Việt nhất ở Mỹ cũng không đủ lượng khán giả để đảm bảo doanh thu. Hiện nay một bộ phim có chất lượng làm ở Mỹ còn khó hòa vốn chứ chưa nói đến việc kiếm lời.
Xu hướng của nhiều người Việt ở Mỹ là tham gia vào những hãng phim Mỹ để sản xuất ra những bộ phim phục vụ khán giả cả thế giới chứ không dành riêng cho người Việt. Vì tôi thấy cơ hội được xem phim Việt Nam ở nước ngoài vẫn còn ít nên tôi chỉ muốn làm những bộ phim ở Việt Nam.
____
Đó là lý do anh thành lập Công ty Coco Paris Film năm 2009?
Đúng vậy. Công ty tôi phát hành phim Bụi đời (đạo diễn Lê Văn Kiệt) và Gia đình Việt kiều (đạo diễn Mark Trần) trên các bang ở Mỹ, sau đó chúng tôi đã hợp tác để sản xuất phim ở Việt Nam, bắt đầu từ phim Ngôi nhà trong hẻm quay vào năm 2011. Chúng tôi hiện đang giới thiệu tiếp bộ phim Dịu dàng, có bối cảnh miền Tây Việt Nam thời hiện đại, được chuyển thể từ truyện Một sinh vật dịu dàng của nhà văn Nga Fyodor Dostoyevsky. Giới phê bình, nghệ sĩ và khán giả quốc tế đã hào hứng đón xem và đưa ra nhiều phản hồi tích cực về Dịu dàng ngay từ suất chiếu đầu tiên ra mắt vào tháng 10 trong những bài báo lớn nhất về điện ảnh như tờVariety và Hollywood Reporter. Sau Liên hoan phim quốc tếở Busan (Hàn Quốc), phim Dịu dàng đã nhận thêm lời mời tham dự Liên hoan phim quốc tế Đào Nguyên (Đài Loan), Hawaii (Mỹ), Cairo (Ai Cập), Warsaw (Ba Lan) và Hà Nội năm nay.
Là một “tay ngang” trong nghề nên điện ảnh đối với tôi là một mảnh đất màu mỡ có thể cùng khai phá với nhiều người. Tôi vốn là kỹ sư điện tử nhưng vì mê phim ảnh từ nhỏ nên mới quyết định “rẽ trái”. Với tôi, tôi thích phim điện ảnh vì người giàu và người nghèo đều có thể xem cùng một bộ phim và giá xem ở rạp cũng tương đối rẻ, phù hợp với nhiều tầng lớp khác nhau. Phim ảnh có thể mang lại niềm vui và giấc mơ của tôi với điện ảnh được hình thành từ đó.
____
Đam mê phim ảnh từ nhỏ và có năng khiếu về nghệ thuật, sao anh lại chọn học Trường Đại học California ở Los Angeles (UCLA) trở thành kỹ sư điện tử?
Tôi theo anh em qua Mỹ định cư từ nhỏ. Theo tôi hầu như người Việt ở Mỹ đều phải chọn học những ngành nghề dễ kiếm việc làm để có cuộc sống ổn định như kỹ sư hoặc bác sĩ, tôi cũng không là ngoại lệ. Sau khi học xong ở UCLA, tôi tiếp tục học cao học công nghệ thông tin ở Trường Stanford University và làm việc cho các hãng điện tử nhỏ và lớn, trong đó có Unisys, một công ty điện tử tiếng tăm. Trong 18 năm làm công việc của một kỹ sư điện tử, mọi mục tiêu trong nghề tôi đặt ra cho chính riêng tôi, như phát minh và lập công ty, đều đã làm được. Tôi từng nghĩ mình sẽ sống chết với nghề kỹ sư, nhưng thật tình cờ, từ tham gia công việc ViFF, gặp nhiều người làm điện ảnh, đam mê trong tôi nổi dậy và tôi lại nảy ra ý định làm phim.
____
Nghề sản xuất phim hẳn là rất hấp dẫn nên anh mới quyết định chuyển từ nghề kỹ sư máy tính với mức lương tốt để dấn thân vào nghệ thuật điện ảnh?
Sản xuất phim là nghề không dễ dàng, nhưng lại rất thú vị. Làm nghề này, chúng ta vừa cần đầu óc của một nhà kinh doanh, lại vừa có một chút tư duy về nghệ thuật. Nhà sản xuất phim có thể là người chủ đầu tư hoặc đứng ra kêu gọi đầu tư để tìm đối tác và triển khai sản xuất. Một nhà sản xuất phim phải thấy được tính khả thi của dự án, hiểu được sở trường của các đạo diễn để giao phim cho họ, đồng thời giúp họ tìm diễn viên, đối tác và các việc khác. Tôi thấy nhà sản xuất phải gánh phần trách nhiệm về nhiều thứ, để đạo diễn được hoàn toàn yên tâm làm “nghệ thuật vị nghệ thuật”.
Một nhà sản xuất chuyên nghiệp không xem việc làm phim là một canh bạc, không thể tính kiểu “năm ăn năm thua”. Người sản xuất không chỉ biết về kinh doanh mà còn phải có kiến thức về phim và am hiểu thị trường để biết làm loại phim cho phù hợp thời thế. Khi đã có sản phẩm đầu tay tốt, các nhà đầu tư có thể sẽ tự tìm đến bạn cho những dự án tiếp theo.
“Một nhà sản xuất chuyên nghiệp không xem việc làm phim là một canh bạc, không thể tính kiểu “năm ăn năm thua”.”
____
Những kiến thức về quản lý trong công việc trước đây có giúp ích gì cho anh trong việc sản xuất phim không?
Những kiến thức tôi học hỏi từ công việc quản lý dự án công nghệ tại Mỹ cũng áp dụng được vào điện ảnh. Đầu tiên là tính cẩn thận, có kế hoạch chi tiết ở tất cả hạng mục công việc. Điều hành một đoàn phim và điều hành một công ty máy tính đều cần có sự sáng tạo và sự phối hợp giữa các khâu từ đầu tư, sản xuất, marketing đến bán hàng. Cái khác chăng, vấn đề quan trọng nhất trong đoàn phim là yếu tố con người. Đoàn làm phim cần sự phối hợp của một nhóm người và thành công hay thất bại là do cả nhóm. Thật may, tôi gặp được những người nghĩa tình, làm việc có trách nhiệm nên dù có bất đồng, tranh cãi thì tất cả cũng đều hướng đến một mục đích chính là sản xuất ra một bộ phim hay.
____
Nhiều hãng phim tư nhân hay “than” rằng việc kêu gọi tài trợ phim quá khó. Chính vì vậy mà không ít hãng phim tự bỏ tiền túi làm phim dẫn đến thua lỗ và phá sản. Anh có gặp khó khăn trong khâu này không?
Nhà sản xuất nào cũng vất vả trong việc kêu gọi đầu tư cả. Tuy nhiên, một dự án phim cần có kịch bản hay và hấp dẫn, đạo diễn giỏi, dàn diễn viên nổi tiếng và diễn xuất tốt, chiến dịch quảng bá chuyên nghiệp… thì mới đủ sức thuyết phục được nhà tài trợ cả trong và ngoài nước. Việc công khai kinh phí, doanh thu của bộ phim và chiến dịch huy động vốn cũng phần nào sẽ gây được sự chú ý, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
____
Nhiều người cho rằng làm phim là một nghề nhiều rủi ro, nhất là khi muốn sáng tạo trong một thị trường điện ảnh theo lối mòn như Việt Nam. Anh có thấy vậy không?
Tôi không thấy vậy. So với các ngành khác, làm phim là lĩnh vực có thể lấy lại vốn và kiếm lợi nhuận cao. Vấn đề là tầm nhìn của nhà sản xuất, làm sao để phim của mình thu hút khán giả. Đơn cử như phim Ngôi nhà trong hẻm, phải có ý tưởng thật tốt thì tôi mới thuyết phục được nhà đầu tư và những người tham gia. Phim Ngôi nhà trong hẻm không chú trọng đến hình ảnh ma mị, máu me rùng rợn mà chỉ gây “giật mình” bằng tình tiết là chủ yếu. Một nhân vật người vợ gặp vấn đề nghiêm trọng về tâm thần, liệu tình yêu của người chồng có giúp được cô hay không? Đây là ý tưởng của phim, và tôi đã tìm được các nhà đầu tư với ý tưởng của phim như vậy. Tôi nghĩ nếu một bộ phim không thể thuyết phục được nhà đầu tư với một ý tưởng rõ ràng, thì không nên làm phim đó.
“So với các ngành khác, làm phim là lĩnh vực có thể lấy lại vốn và kiếm lợi nhuận cao. Vấn đề là tầm nhìn của nhà sản xuất, làm sao để phim của mình thu hút khán giả.”
____
Anh đánh giá thế nào về triển vọng của phim kinh dị trên thị trường phim thế giới?
Nhiều người thích xem phim kinh dị vì những trải nghiệm kịch tính thú vị trong một thế giới không có thật. Phim kinh dị sử dụng yếu tố hồi hộp, căng thẳng, kích thích tâm trạng người xem. Khai thác tối đa những lợi thế về kỹ thuật của các rạp chiếu như âm thanh, tiếng động, màn ảnh rộng, không khí huyền bí của phòng chiếu… thì sẽ làm cho khán giả vừa sợ vừa thích. Đó là một trong những yếu tố hấp dẫn số lượng lớn khán giả tới rạp.
Trào lưu làm phim kinh dị hiện nay có sự tham gia của nhiều đạo diễn trẻ. Họ có kiến thức về công nghệ được học ở môi trường điện ảnh chuyên nghiệp, lại được đầu tư công nghệ tốt để làm phim kinh dị. Các đạo diễn này làm phim đã đem lại luồng gió mới về công nghệ, về cách thức làm phim sao cho hấp dẫn, đặc biệt mang tới sự sáng tạo mới trong phong cách làm phim kinh dị.
Thị trường phim kinh dị còn rất nhiều không gian cho các nhà sản xuất, đạo diễn tham gia. Khán giả thường không khó tính với yếu tố mới lạ trong phim nên họ tới rạp rất đông khi những bộ phim kinh dị đáp ứng được nhu cầu.
____
Với phim điện ảnh thì doanh thu từ phòng chiếu có phải là quan trọng?
Đối với phần lớn phim điện ảnh thì phản ứng của thị trường chiếu rạp vẫn là quan trọng nhất. Dựa vào doanh thu từ phim chiếu rạp sẽ phần nào dự đoán doanh thu từ các nguồn khác. Tuy nhiên, khi thị trường quá lớn, doanh thu từ các nguồn khác có thể cũng rất cao. Chúng ta có thể làm phim không cần chiếu rạp, chỉ cần phát hành DVD và truyền hình cũng đủ kiếm lợi nhuận. Cũng có rất nhiều phim doanh thu ít khi công chiếu ngoài rạp giống như phim đã thất bại nhưng lại thắng đậm bằng việc bán DVD và bản quyền cho truyền hình sau đó.
Trước đây tôi ít được xem phim Việt Nam. Sau năm 2009, tôi bắt đầu chú ý nhiều hơn vì làm công việc tổ chức ở ViFF. Tôi rất bất ngờ khi thấy phim ảnh phát triển, chất lượng, kỹ thuật làm phim đã tiến bộ rất nhiều và có thể loại, chủ đề phong phú.
Tôi thấy thị trường phim Việt đang phát triển rất nhanh. Số lượng cụm rạp tăng lên nhanh chóng, đến nay đã có đến 50 cụm rạp. Hơn nữa, khán giả Việt quan tâm đến phim chiếu rạp hơn trước, có khán giả còn coi phim hằng tuần. Những phim hay mới ra rạp luôn “cháy vé”, ngay cả những suất chiếu sớm. Những điều này cho thấy nhu cầu phim ảnh của người dân vẫn còn rất lớn, thị trường phim điện ảnh hứa hẹn sẽ còn phát triển.
____
Cảm ơn anh về buổi trò chuyện.