Sau khi Ngân hàng Nhà nước quy định trần lãi suất huy động giảm thêm 0,5%/năm so với trước, khiến mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục giảm (người gửi tiền tiết kiệm bị thiệt) trong khi lãi suất cho vay chưa giảm (người đi vay, doanh nghiệp vay vốn chưa được hưởng lợi), cả Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đều phải chịu sức ép của dư luận. Phải chăng lần giảm lãi suất điều hành này chỉ có lợi cho các ngân hàng?
Thực ra, chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước, mà cụ thể là điều hành lãi suất những năm qua đã thực hiện được mục tiêu điều tiết và kiểm soát lạm phát của Chính phủ, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua kênh tín dụng. Nhà điều hành vẫn đang duy trì được lãi suất thực dương cho người gửi tiền. Việc quy định trần lãi suất cho vay bằng tiền đồng vào năm lĩnh vực ưu tiên đã hướng dòng tiền vào khu vực kinh tế mà nước ta có lợi thế so sánh, còn việc duy trì chênh lệch lãi suất huy động giữa tiền đồng và USD trong khoảng 4 – 5% đã khuyến khích người dân giữ tiền đồng thay cho USD, giảm thiểu tình trạng đôla hóa nền kinh tế, duy trì ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối.
Về phía các ngân hàng, thông qua các báo cáo kết quả kinh doanh quý III-2014 được công bố sớm hơn thường lệ, họ cũng phần nào lý giải được vì sao phải giảm mạnh lãi suất huy động (đa số duy trì mức lãi suất thấp hơn lãi suất trần quy định từ 0,5 – 1,5%). Theo đó, dù lãi suất huy động đã liên tục giảm, tiền gửi của người dân vẫn tăng mạnh, trong khi lãi suất cho vay đã giảm ngang với mức của những năm 2005-2006 và các ngân hàng đã rất nỗ lực trong việc đẩy mạnh cho vay. Trước áp lực từ nguồn vốn huy động ngày càng tăng ấy, nếu không giảm lãi suất huy động, ngân hàng sẽ phải chịu lỗ. Tín dụng không tăng mạnh không phải do lãi suất còn cao mà do sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung còn yếu. Ngoài ra, các ngân hàng vẫn đang phải đẩy mạnh trích lập dự phòng nhằm phòng ngừa rủi ro và nỗ lực giảm tỷ lệ nợ xấu, nên không thể chạy theo tốc độ tăng trưởng mà hạ chuẩn tín dụng. Vậy nên, bên cạnh việc nỗ lực tìm kiếm khách hàng tốt để cho vay, các ngân hàng cũng chủ động bảo đảm an toàn cho mình và động thái tự cắt giảm lãi suất huy động song song với mua trái phiếu chính phủ cũng là giải pháp được họ tiến hành thời gian qua.
Những người có trách nhiệm cũng đã nhìn nhận được thực tế này. Trong báo cáo về tình hình kinh tế tháng 10 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cơ quan này nhận định rằng thị trường tài chính – tiền tệ hiện đang vận hành tốt, thanh khoản của hệ thống ngân hàng và tỷ giá nhìn chung ổn định. Đặc biệt, khả năng thanh toán và trả nợ lãi vay của doanh nghiệp đã tốt hơn nhờ vào lãi suất giảm, doanh nghiệp chủ động tái cơ cấu và quản lý tài sản tốt hơn. Vòng quay hàng tồn kho và vòng quay khoản phải thu của các doanh nghiệp đều ở mức cao nhất kể từ năm 2008. Khả năng thanh toán lãi vay của khu vực doanh nghiệp phi tài chính đạt 5,07 – mức cao nhất kể từ năm 2011… Nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn tại như giảm lãi suất cho vay và đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, cơ quan này kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên xem xét cung cấp nguồn vốn với lãi suất thấp ưu đãi cho các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất cho vay mà không ảnh hưởng đến NIM (chênh lệch lãi suất huy động – cho vay) của các ngân hàng thương mại. Có lẽ đây là một giải pháp phù hợp để giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh hệ thống ngân hàng cũng đang gặp khó khăn như hiện nay.
Minh Hằng