Có lẽ phiên giao dịch ngày thứ Năm (16-10) trên HoSE là dẫn chứng sinh động nhất về một nhận định “thời điểm khó khăn” của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay. Kết thúc phiên đáng nhớấy, có đến 226 mã giảm điểm, trong đó 37 mã giảm sàn và chỉ có 25 mã tăng giá. Trong một ngày, VN-Index giảm đến 17,12 điểm, tương ứng 2,83%. Điểm tích cực duy nhất là thanh khoản tăng lên, đạt 3.169,382 tỉ đồng, khá hơn nhiều so với những ngày giao dịch yếu ớt trước đó. Kết thúc tuần, VN-Index chốt tại 585,28 điểm, HNX-Index về 87,64 điểm, thanh khoản giảm mạnh.
Khó thể quy cú sốc này cho một nguyên nhân cụ thể, bởi diễn tiến của thị trường là rất khó lường. Chỉ có thể đưa ra một số lý giải. Đầu tiên, sau một thời gian tăng trưởng nóng với điểm tựa là kết quả kinh doanh tốt trong quý III của các doanh nghiệp niêm yết, thị trường buộc phải có giai đoạn điều chỉnh. Nhiều mã cổ phiếu tăng trưởng tốt đã phản ánh vào giá suốt một thời gian dài và đã đến lúc một số nhà đầu tư tiến hành chốt lời. Nguyên nhân thứ hai, là những ảnh hưởng tiêu cực từ kinh tế thế giới, dù là gián tiếp nhưng có tác động đến các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường chứng khoán. Theo các chuyên gia kinh tế, đã có dấu hiệu về một cuộc suy thoái mới tại châu Âu và đồng euro sẽ tiếp tục giảm giá trong thời gian tới. Các thị trường chứng khoán châu Âu đang lao dốc. So với mức đỉnh gần nhất, chỉ số FTSE 100 của Anh tuần qua đã giảm 9,76%, CAC 40 (Pháp) giảm 14,38%, DAX (Đức) giảm 14,25%. Ở Mỹ, chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite cũng giảm mạnh. Giá dầu thô tiếp tục giảm dù giúp giảm giá xăng dầu, qua đó giảm chi phí đầu vào cho nền kinh tế, nhưng cũng cho thấy kinh tế thế giới đang suy yếu. Ngoài ra, diễn biến chính trị bất ổn tại nhiều nơi trên thế giới, xung đột xảy ra và nỗi lo sợ về dịch bệnh Ebola cũng khiến tâm lý các nhà đầu tư toàn cầu lo lắng. Sự hoài nghi của giới đầu tư về tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã tạo một sức ép nhất định với các thị trường chứng khoán khắp thế giới và Việt Nam không phải ngoại lệ. Khối các nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng trên HoSE. Đây là tuần bán ròng thứ sáu liên tiếp của khối ngoại với tổng giá trị hơn 2.677 tỉ đồng. Chỉ riêng tuần từ 13-10 đến 17-10, khối ngoại đã bán ròng hơn 1.000 tỉ đồng, tương ứng 27,6 triệu đơn vị cổ phiếu.
Trong số các nguyên nhân nội tại của nền kinh tế thì chỉ số CDS 5 năm (Credit Default Swap) của nước ta cũng không tích cực, khi tăng từ mức đáy (khoảng 190 điểm) lên 225 điểm, tức tăng đến 18,4%. Mà chỉ số CDS có mối quan hệ nghịch chiều với thị trường chứng khoán. Áp lực giải chấp từ các công ty chứng khoán cũng là một nguyên nhân. Thị trường càng giảm đột ngột càng khiến cho nhiều nhà đầu tư phải bán giải chấp, đẩy thị trường vào cảnh dư cung, giá giảm sâu. Ngoài ra, còn phải kể đến tâm lý hoảng loạn của một số nhà đầu tư cá nhân khi thấy giá cổ phiếu ngày sau giảm hơn ngày trước, lo ngại xu hướng giảm còn tiếp tục nên họ quyết định bán ra ở mức giá thấp. Tất cả những yếu tố trên khiến cho sự hồi phục của thị trường trong ngắn hạn đang được đặt dấu hỏi.
Tuy nhiên, trong khó khăn luôn tồn tại cơ hội. Với triển vọng dài hạn tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam, đây là thời điểm nhiều nhà đầu tư đang tận dụng để tích lũy cổ phiếu, chờ giai đoạn tăng trưởng mới. Như trong phiên giao dịch cuối tuần (17-10), dù VN-Index vẫn giảm, nhưng thời điểm đóng cửa hồi phục mạnh so với mức thấp nhất trong ngày. Dòng tiền bắt đáy đã hoạt động khá tích cực, không chỉ giúp giao dịch thị trường sôi động hơn mà còn giúp những ai đang hoang mang cảm thấy đỡ nặng nề. Chưa kể việc giá cổ phiếu giảm mạnh và liên tục khiến mặt bằng giá hiện khá hấp dẫn và đó là cơ hội cho những ai “biết tham lúc thị trường sợ hãi”. Khối tự doanh của các công ty chứng khoán là những người như vậy, tranh thủ lúc thị trường lao dốc để mua vào các cổ phiếu blue-chip. Tuần qua, khối này mua ròng 72,3 tỉ đồng, nghĩa là đã mua ròng ba tuần liên tiếp, với tổng giá trị 144,3 tỉ đồng. Nhìn chung, trong giai đoạn hiện nay, lựa chọn xu hướng đầu tư dài hạn và chọn các mã blue-chip, cơ bản tốt là khá hợp lý. Các nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt, đặc biệt là hoàn thành sớm kế hoạch kinh doanh cả năm sẽ là tâm điểm của dòng tiền.
Phiên giao dịch đầu tuần (20-10), dù VN-Index bật tăng ngay từ đầu và duy trì sắc xanh cho đến cuối phiên nhờ sự tăng giá của GAS và vài mã blue-chip, nhưng nhìn chung thị trường chỉ giao dịch cầm chừng, thăm dò lẫn nhau. VN-Index kết thúc phiên ở mức 589,24 điểm, tăng 3,96 điểm so với cuối tuần trước, thanh khoản giảm mạnh chỉ còn 1.531,422 tỉ đồng, tương ứng 82,44 triệu cổ phiếu được trao tay.
Thành Huân