Báo cáo trước Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, sáng 20-10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng khó khăn thách thức là rất lớn, bảo vệ chủ quyền quốc gia còn nhiều thách thức.
Đánh giá tình hình 2014, Thủ tướng nói việc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Chính phủ đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm trọng điểm các giải pháp thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2014, hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đã đạt được những kết quả tích cực, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.
Khẳng định chủ quyền quốc gia được bảo đảm, Thủ tướng cũng báo cáo nhu cầu đầu tư cho quốc phòng an ninh rất lớn nhưng nguồn lực còn rất hạn hẹp.
Về phát triển kinh tế trong năm 2015, Thủ tướng Chính phủ xác định sẽ đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn và vững chắc hơn năm 2014.
Các chỉ tiêu chủ yếu được trình Quốc hội quyết định là tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2%; tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 5%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 5%; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP 5%; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP.
Như vậy, so với con số 28% GDP tại báo cáo ở phiên họp tháng 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đã được điều chỉnh tăng 2%.
Với ưu tiên ổn định vĩ mô, Chính phủ xác định sẽ thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa, kiểm soát tốt lạm phát. Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát.Tăng dư nợ tín dụng phù hợp với yêu cầu tăng trưởng gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng.Ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối, tăng dự trữ ngoại tệ và bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam.Thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng “hứa” kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo đảm nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn theo quy định.
Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII đã khai mạc trong ngày 20-10 tại nhà Quốc hội mới. Vì 2014 là năm đầu tiên triển khai thi hành Hiến pháp mới nên cũng như kỳ họp thứ 7, tại kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để sớm đưa các điều khoản của Hiến pháp đi vào cuộc sống.
Trong 33 ngày làm việc, Quốc hội sẽ dành khoảng 70% thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, sẽ xem xét, thông qua 18 dự án luật và ba dự thảo nghị quyết, đồng thời cho ý kiến đối với 12 dự án luật. Cụ thể hơn, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi), Luật Tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân, Luật Công an nhân dân (sửa đổi)…
Nguyễn Thắng