Thế giới đang có nguy cơ bước vào một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu mới và điều này khiến cho Hoa Kỳ tỏ ra bức xúc, cho rằng một số nước đã không nỗ lực hết mình để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Jacob Lew, chính phủ các nước châu Âu, Nhật Bản và cả Trung Quốc đều không phản ứng kịp thời với những nhu cầu cấp thiết của nền tài chính lẫn kinh tế của nước mình. Theo đó, giới lãnh đạo Liên minh châu Âu nên tập trung nhiều hơn vào việc cải tổ hoàn toàn hệ thống chính sách chung để đối phó với sự yếu kém triền miên và dai dẳng suốt hơn ba năm qua của kinh tế khu vực, còn giới hoạch định chính sách Nhật Bản cần cẩn trọng hơn trong việc cắt giảm nguồn ngân sách quốc gia và kiên quyết hơn khi cải tổ toàn diện chính sách kích cầu tăng trưởng kinh tế. Washington nhận định nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ tăng trưởng rất chậm trong 2014 và vẫn duy trì ở vị thế yếu trong suốt 2015. Đối với kinh tế châu Âu nói chung, Jacob Lew nhấn mạnh nên tập trung vào tăng trưởng kinh tế hơn là chính sách thắt lưng buộc bụng hiện nay nhằm hạn chế thâm hụt ngân sách. Với những quốc gia có nguồn lực kinh tế mạnh và khả năng tài chính dồi dào như Đức, cần phải thực hiện nhiều hơn vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung của toàn khu vực. Thậm chí, một số quốc gia châu Âu khác bao gồm Pháp và Ý cũng lên tiếng kêu gọi eurozone nên chuyển hướng từ chính sách cắt giảm ngân sách do Đức ủng hộ sang hướng tập trung vào đầu tư nhằm tránh bị rơi vào tình trạng đình trệ kinh tế như Nhật Bản. Ông Jacob Lew cũng cho rằng mặc dù kinh tế Trung Quốc vẫn tỏ ra khá ổn với chỉ số tăng trưởng GDP đạt mức 7,4% trong 2014, nhưng những rủi ro đã bắt đầu xuất hiện với cường độ ngày càng tăng. Do đó, Bắc Kinh cần phải chú trọng nhiều hơn về mô hình tăng trưởng kinh tế lâu dài dựa trên sức tiêu thụ của người dân trong nước.
Trong tháng 11-2014, Jacob Lew cùng các bộ trưởng tài chính, chủ tịch ngân hàng trung ương của nhóm nước G20 sẽ có cuộc họp thượng đỉnh tại Brisbane, Úc. Nội dung xoay quanh 900 sáng kiến về việc góp phần tăng thêm 1,8% GDP toàn cầu trong giai đoạn năm năm tới thông qua gói ngân sách chung trị giá 2.000 tỉ USD do nhóm G20 tài trợ cho các chương trình xây dựng đường sá, hệ thống xe lửa và nhiều cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới, hứa hẹn tạo ra hàng triệu việc làm và kích cầu kinh tế thế giới. Ngoài ra, nhóm G20 cũng có thể sẽ xét lại các vấn đề kinh tế hiện tại, bao gồm việc sa sút kinh tế tiếp diễn tại châu Âu và những dấu hiệu tiêu cực mới xuất hiện tại Trung Quốc và châu Mỹ La tinh.
Lâm Kiên theo AP