Từ đầu năm, các nhà điều hành đã phát đi thông điệp sẽ ổn định tỷ giá đồng USD, với mức điều chỉnh cả năm không quá 2%. Điều này không chỉ góp phần nâng cao vị thế của tiền đồng, mà còn giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu yên tâm hơn trong việc hoạch định kế hoạch kinh doanh. Tháng 6-2014, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm 1% giá trị tiền đồng so với đồng USD, tức là sử dụng một nửa “quota”, nhưng thị trường gần như không có biến động, chứng tỏ đã có một sự dư dả trong thanh khoản USD trong nền kinh tế. Tuy nhiên, trong những ngày cuối tháng 9 đầu tháng 10, cả trên thị trường tự do lẫn hệ thống ngân hàng thương mại, đồng USD đã tăng giá khá mạnh so với tiền đồng. Đáng nói hơn, tỷ giá giao dịch chính thức của các ngân hàng thương mại còn cao hơn trên thị trường tự do. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
Thời gian qua, đồng USD đã có nhịp tăng giá so với hầu hết các đồng tiền trên thế giới. Các nhà kinh tế còn cho rằng đấy chỉ là bước khởi đầu của một đợt tăng giá USD trong nhiều tháng tới. Lý do là sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã tung ra những gói kích thích kinh tế song song với việc duy trì lãi suất đồng USD ở mức thấp kỷ lục để vực dậy nền kinh tế. Đến thời điểm này, có thể nói kinh tế Mỹ đã hồi phục, trong khi kinh tế toàn cầu nhìn chung còn khá ảm đạm và đó chính là yếu tố khiến đồng USD ngày càng mạnh lên. Riêng với nước ta, theo quy luật mùa vụ, cầu ngoại tệ chắc chắn sẽ tăng trong mấy tháng tới, khi các doanh nghiệp cần ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất – kinh doanh dịp cuối năm. Ngoài ra, các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài còn cần mua ngoại tệ để chuyển lãi về công ty mẹ. Trước những yếu tố tác động lên xu hướng tăng giá của đồng USD so với tiền đồng như vậy, nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm phải sử dụng nhịp điều chỉnh tỷ giá 1% còn lại?
Câu trả lời có lẽ là chưa, nếu xét đến thực trạng cung – cầu ngoại tệ hiện tại. Lĩnh vực xuất khẩu đang phát triển tốt, với mức tăng trưởng 14,1% trong chín tháng đầu năm dù kinh tế thế giới chưa khởi sắc, lực cầu còn yếu. Chỉ số nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất của HSBC (PMI) cho thấy các doanh nghiệp sản xuất vẫn đang hoạt động tích cực khi trên 50 điểm trong 12 tháng liên tiếp. Quý III vừa qua, lĩnh vực sản xuất đã tăng 9,8% sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái và tình hình còn có thể tích cực hơn trong quý IV khi hàng tồn kho của các doanh nghiệp tiếp tục giảm. Bên cạnh đó, tình trạng nhập siêu của các doanh nghiệp nội địa ngày càng giảm trong khi xuất siêu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại tăng lên, giúp cho nguồn ngoại tệ có được từ thặng dư thương mại luôn ở mức cao, góp phần giúp tiền đồng luôn duy trì được sự ổn định. Theo số liệu từ Bộ Công thương, xuất khẩu chín tháng đầu năm tăng trưởng tốt và cả nước có thể xuất siêu 1,5 tỉ USD trong năm 2014. Những tháng qua, nguồn vốn FDI đăng ký có dấu hiệu giảm nhưng tốc độ giải ngân lại tăng. Ngoài ra, dự trữ ngoại hối đang ở mức cao nhất từ trước tới nay và lượng kiều hối năm nay được dự báo trong khoảng 12-13 tỉ USD, chưa kể dòng vốn đầu tư gián tiếp vào thị trường chứng khoán… Tất cả giúp cho trạng thái ngoại tệ của nước ta từ nay đến cuối năm khó thể lâm vào tình trạng thiếu hụt. Thực tế cũng đang phù hợp với nhận định này, khi tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại dù có tăng lên nhưng vẫn thấp hơn mức biên độ điều chỉnh cho phép là cộng trừ 1% (21.458 đồng/USD). Tỷ giá được dự báo sẽ tiếp tục ổn định.
Minh Hằng