Tại Diễn đàn phát triển châu Á lần thứ 5 (ADF) được tổ chức ngày 19-9 ở Hà Nội, ông Kensuke Tanake – Trưởng ban châu Á của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã đưa ra dự báo về thời gian mà các nền kinh tế có thu nhập trung bình thuộc châu Á phải trải qua để gia nhập nhóm các nước phát triển. Theo cách tính toán của OECD, nếu Malaysia được dự báo năm 2020 sẽ vượt ngưỡng thu nhập trung bình, Trung Quốc năm 2026, Thái Lan năm 2031… thì Việt Nam thuộc nhóm tốn nhiều thời gian nhất, tận đến năm 2058 mới có thể lên hàng các quốc gia có thu nhập cao, chỉ trước Ấn Độ có một năm!
Nhiều ý kiến tham luận tại diễn đàn đều có tác dụng giúp Việt Nam tìm lối thoát khỏi nguy cơ “giậm chân tại chỗ”. Giáo sư Keun Lee (đến từ Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc) cho biết nhờ tập trung xây dựng năng lực, tối ưu hóa nền kinh tế thông qua hỗ trợ nghiên cứu và phát triển mà từ thập niên 1990, Hàn Quốc bắt đầu tạo được bước nhảy và có thặng dư thương mại. Ông cho rằng mỗi quốc gia chỉ nên lựa chọn tập trung vào một lĩnh vực chủ lực phù hợp với điều kiện của mình. Đồng thời, để bắt kịp các nước tiên tiến, các nước đang phát triển không nên bảo hộ mậu dịch, mà phải tích cực hội nhập để học hỏi, rút kinh nghiệm để đột phá ở những phân khúc có giá trị cao, tại những ngành mới xuất hiện. Ý kiến của chuyên gia Masanori Yoshida (Bộ Tài chính Nhật Bản) cũng rất đáng chú ý khi đánh giá cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng trong việc thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, nhưng các nước đang phát triển lại gặp khó khăn về vốn. Do đó, các chính phủ cần có chính sách dài hạn, cam kết hạn chế rủi ro để kêu gọi vốn tư nhân vào xây dựng hạ tầng, tức là có phương thức chia sẻ trách nhiệm giữa nhà nước và tư nhân.
Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp nhưng đang đứng trước thách thức to lớn là động lực phát triển của 30 năm trước đến nay đã gần hết dư địa, không thể thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững được nữa. Hướng đi được xác định là tăng trưởng của Việt Nam phải dựa chủ yếu vào tăng năng suất lao động, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, quản trị hiện đại, tóm lại là phải khai thác được tiềm năng quan trọng nhất là yếu tố con người như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đã làm. Vì vậy, kiến nghị của ông Kensuke Tanake có giá trị như một phương châm được đúc kết phù hợp với hướng đầu tư phát triển trong thời gian tới của nước ta. Đó là để tìm giải pháp nâng cao năng suất lao động, các nước cần chuyển đổi thể chế kinh tế, chính sách cho phù hợp để tạo môi trường kinh doanh tốt và quan trọng hơn là cung cấp dịch vụ giáo dục tối ưu, từ đó mới nâng cao được tay nghề và năng suất lao động.
Nhân chuyến công tác tại Việt Nam, tuần qua, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã có các cuộc hội kiến với Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Ghi nhận những kết quả Việt Nam đạt được trong ổn định chính trị và ổn định kinh tế vĩ mô, ông Takehiko Nakao lưu ý rằng Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa những cải cách cơ cấu, chủ yếu là trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, lĩnh vực ngân hàng và đầu tư công, đồng thời khuyến nghị Chính phủ cần quản lý nợ công thông qua mở rộng cơ sở thuế và hợp lý hóa chi tiêu công, có vậy mới lấy lại được mức tăng trưởng 7 – 8% như trong giai đoạn 2000-2007.
Nguyễn Thắng