Du lịch là một thú vui không thể và không nên bỏ qua của du học sinh. Đến với một đất nước mới, tranh thủ khám phá bản sắc văn hóa, phong tục tập quán địa phương, nếm món ngon, thưởng cảnh đẹp là một điều tuyệt vời. Hiển nhiên, đi du lịch nghĩa là bạn đang tự đặt mình vào việc thích nghi với môi trường mới, khám phá xứ sở ấy một cách toàn diện. Sẽ có nhiều bất ngờ ẩn chứa trong đó, nhưng trên tất cả, bạn nên chuẩn bị để có được một sự chủ động nhất định. Vương Quốc Anh là một quốc gia trải dài với nhiều địa hình và khí hậu khác nhau. Bạn có bao giờ nghĩ rằng những phiền toái về việc xin visa, đặt khách sạn và mua vé máy bay có thể phá hỏng chuyến đi đầy háo hức của bạn? Nguyễn Trần Duy Hoàng – chàng trai đã có bốn năm du học ở Anh, người coi cuộc sống ở Anh “tự nhiên tựa như hít thở khí trời” sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm du lịch trải dài từ khâu chuẩn bị cho đến trong cuộc hành trình.
Rắc rối mang tên tấm vé thông hành
Khi xin visa đi du lịch nước ngoài tại Anh, bạn cần nộp đồng loạt các loại giấy tờ khác như danh sách các khách sạn, nhà nghỉ mình sẽ ở trong chuyến đi (nhất là khi đi tour nhiều nước), giấy tờ chứng minh đã mua bảo hiểm du lịch.
Với việc đặt khách sạn, bạn nên đặt qua website www.booking.com. Đây cũng là trang tổng hợp gần như toàn bộ các khách sạn tại châu Âu sẽ giúp kế hoạch được sắp xếp thuận tiện và khoa học. Bên cạnh đó, đừng quên mua bảo hiểm sức khỏe nhé. Khi đi du lịch tại Việt Nam, trừ khi đi tour tự động kèm bảo hiểm, các trường hợp đi tự túc, người Việt thường có thói quen bỏ qua khâu bảo hiểm này nhưng khi đến với nước Anh, đây lại là một trong những khâu tối quan trọng. Các bạn có thể vào trang http://www.gocompare.com tìm một loại bảo hiểm sức khỏe thích hợp (riêng Duy Hoàng sử dụng bảo hiểm của Bell). Bảo hiểm sức khỏe với bảo hiểm du lịch là một. Mỗi loại bảo hiểm có từng mức kỳ hạn khác nhau nhưng giá cả của việc mua bảo hiểm trọn gói cả năm hay thời gian ngắn (backpack) hoặc một chuyến duy nhất (single trip) không chênh lệch nhiều lắm. Ví như tôi đã mua bảo hiểm cả năm với giá khoảng 22 bảng, trong khi một người bạn mua bảo hiểm loại backpack cho 15 ngày đã mất 10 bảng rồi.
Nếu vẫn muốn tiết kiệm cho bảo hiểm du lịch, cách tốt nhất là bạn chỉ nên mua bảo hiểm loại rẻ nhất, vốn đã đảm bảo yêu cầu số tiền bảo hiểm mà các đại sứ quán quy định. Để mua bảo hiểm này, bạn phải có thẻ cư trú ở Anh (UK resident). Đồng thời, để có bảo hiểm bằng bản in để nộp đơn đăng ký xin visa thì sẽ mất thêm một khoản phí vài bảng và sẽ nhận được tại địa chỉ nhà sau năm ngày. Nếu trong trường hợp không lấy kịp bản in thì chỉ cần in bản xác nhận qua email là được (thường sẽ được gửi vào hộp thư điện tử của bạn sau khi thanh toán).
Ngân quỹ nào để vi vu?
Mối bận tâm hàng đầu của du học sinh khi vi vu trên xứ người là vấn đề chi phí đi lại. Chính vì thế, nhiều người sẽ chọn hai hãng hàng không là Easyjet và Ryanair, chuyên cung cấp những chuyến bay giá cả phải chăng, phù hợp với túi tiền khiêm tốn của sinh viên. Tại Anh, hai hãng bay này đều không khởi hành từ Heathrow mà xuất phát từ London Gatwick hoặc Stansted. Để đi từ trung tâm London đến hai sân bay này, các bạn có thể đặt vé tại easybus. Giá vé khoảng từ 6-10 bảng/chiều. Đặc biệt nếu các bạn từ Southampton tới Gatwick Airport thì có thể đặt vé trên http://www.southernrailway.com: nếu đi nhóm từ hai người trở lên và đặt vé sớm thì chỉ có từ 8-15 bảng/lượt. Nhìn chung Easyjet đắt hơn Ryanair, nhưng hai công ty này hiếm khi cung cấp dịch vụ trên cùng tuyến nên bạn không cần thiết phải so sánh chúng. Việc thanh toán ở nước ngoài tất cả đều phải qua thẻ nên cũng cần chú ý phí thanh toán: nếu dùng thẻ Visa Debit thì phải cộng ít nhất 8 bảng cho việc giao dịch.
Hoàng Minh Trang ghi
[spoiler title=”Đặc biệt chú ý” open=”0″ style=”2″]
Nếu bạn đặt vé của Ryan Air thì cần kiểm tra liên tục vì vé của hãng này thường khá ngẫu nhiên. Hãy nhớ nguyên tắc “đến sớm mua rẻ” không thể áp dụng ở đây, nên kiểm tra liên tục là phương án duy nhất.
Cả hai hãng đều yêu cầu chỉ mang một hành lý xách tay có kích thước quy định, các bạn có thể vào trang web của hãng để có thông tin chi tiết. Easyjet không giới hạn số cân nhưng Ryanair thì có. Theo trải nghiệm cá nhân, Ryan Air thường hay bị chậm giờ hơn Easjet. [/spoiler]