Kênh truyền hình Pháp BFMTV mới đây đánh giá việc ông Emmanuel Macron được bầu làm tổng thống Pháp đã tác động tích cực đến các nhà lãnh đạo các công ty của Pháp, môi trường kinh doanh và đầu tư nước này.
Theo kết quả cuộc khảo sát hãng Opinion Way thực hiện cho Ngân hàng Palatine công bố đầu tháng này, 85% lãnh đạo doanh nghiệp nói rằng họ “tin tưởng” vào nền kinh tế Pháp trong khi tỷ lệ này chỉ là 45% vào tháng Tư.
Một cuộc khảo sát khác do Phòng Thương mại và Công nghiệp Paris tiến hành (CCIP) vào cùng thời gian trên cho biết 39% lãnh đạo doanh nghiệp nhận định “lạc quan” một cách tổng thể, trong khi 37% nói rằng họ “tin tưởng”.
Tỷ lệ này tăng 10 điểm so với cuộc khảo sát do CCIP thực hiện vào tháng Tư.
Cuộc khảo sát thứ ba do hãng MétéoJob thực hiện qua nhiều cuộc trao đổi, trò chuyện với các thương gia và những người kinh doanh nhỏ – những người vốn phải cọ xát hằng ngày với thực tế cuộc sống.
Theo cuộc khảo sát, những người kinh doanh nhỏ cho biết tỷ lệ cụ thể hóa các giao dịch, thương vụ trong doanh nghiệp của họ, thể hiện qua các hợp đồng được ký kết, đã tăng gần như gấp đôi, từ 18% lên 32% trong vòng một tháng.
Khách mời của chương trình Bản tin kinh tế trên kênh BFMTV là ông Thierry Breton – Giám đốc điều hành của Tập đoàn Dịch vụ Kỹ thuật số Atos – cho rằng vẫn còn quá sớm để nói về tác động tích cực trực tiếp từ việc ông Macron được bầu làm tổng thống.
Tuy nhiên, việc Tổng thống Macron thể hiện quyết tâm thực hiện các cam kết tranh cử đã mang lại sự tin tưởng cho giới doanh nghiệp và trong kinh tế, niềm tin có ảnh hưởng rất quan trọng đến thành công.
Ông Thierry Breton cũng lưu ý rằng hình ảnh mà nước Pháp gửi ra nước ngoài về Tổng thống Macron khác hẳn với hình ảnh những người tiền nhiệm là các cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy và François Hollande đã được chuyển tải đi trước đó.
Hình ảnh một tổng thống trẻ, năng động đã tác động tích cực đến các nhà đầu tư nước ngoài và cả lãnh đạo các nước.
Báo cáo mới nhất do Ngân hàng Trung ương Pháp công bố ngày 9-6 cho biết nền kinh tế nước này được dự báo sẽ tăng trưởng cao hơn mong đợi cho đến hết năm 2019 nhờ hoạt động thương mại quốc tế năng động hơn, nhưng vẫn phải đối mặt với rủi ro thâm hụt ngân sách.
Theo đó, nhịp độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Pháp sẽ tăng từ mức khoảng 1,4% năm 2017 lên 1,6% trong hai năm 2018-2019. Con số này cao hơn dự báo đưa ra hồi tháng 12-2016 rằng “đất nước hình lục lăng” sẽ tăng trưởng 1,3% cho năm 2017, 1,4% năm 2018 và 1,5% năm 2019.
Trong khi các hoạt động thương mại quốc tế nhộn nhịp hơn, chi tiêu tiêu dùng của người dân sẽ không còn đóng vai trò lớn trong việc hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế Pháp trong mấy năm gần đây.
Sau khi lạm phát tại quốc gia châu Âu này chỉ đạt 0,3% trong năm 2016 do giá năng lượng tuột dốc, các chuyên gia dự báo lạm phát của Pháp sẽ tăng 1,2% trong hai năm 2017 và 2018, rồi tăng lên 1,4% vào năm 2019.
Báo cáo của Ngân hàng Trung ương Pháp cũng cho biết mức thâm hụt ngân sách của nước này ước tương đương 3,1% GDP trong năm nay, cao hơn mức 2,8% GDP được chính phủ tiền nhiệm đưa ra trước đó.
Điều này đồng nghĩa Pháp sẽ một lần nữa vi phạm mức trần thâm hụt ngân sách 3% GDP do Liên minh châu Âu (EU) đề ra, dù chính phủ của cựu Tổng thống François Hollande đã cam kết sẽ tôn trọng quy định này.
- Lê Nga
Xem thêm:
- Kinh tế Pháp khởi sắc nhờ Euro 2016
- Tân tổng thống Pháp sẽ đối mặt với những vấn đề kinh tế nào?
- Ngân hàng trung ương Nhật với 3 biện pháp kích thích kinh tế