Theo Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2018, năng suất lao động của Việt Nam mặc dù có sự tăng trưởng nhưng vẫn xếp hạng thấp nhất châu Á. Tổng cục Thống kê cho biết năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/18 Singapore, 1/16 của Malaysia và 1/3 của Thái Lan và Trung Quốc.
Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân của thực trạng này, Adecco Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu trên khoảng 500 nhân viên văn phòng và 200 người sử dụng lao động (NSDLĐ) tại Việt Nam.
Cuộc khảo sát cho thấy 68% người lao động (NLĐ) làm việc hiệu quả từ 4 đến 6 giờ mỗi ngày. Chỉ có 14% những người cảm thấy làm việc hiệu quả hơn 7 giờ. 78% doanh nghiệp mong muốn nhân viên của họ luôn có mặt tại văn phòng.
- Xem thêm: Ba yếu tố giúp tăng năng suất lao động
Một phần ba NSDLĐ nghĩ rằng việc ở trong văn phòng không ảnh hưởng đến năng suất và tinh thần của nhân viên. Dù thực tế điều đó không có nghĩa là mọi người đang tích cực đóng góp vào công việc.
Tuy nhiên, 83% NLĐ nói rằng thời gian làm việc linh hoạt sẽ làm tăng năng suất của họ. 54% NLĐ thường xuyên hoặc thỉnh thoảng ở lại làm việc muộn cho dù họ không có nhiệm vụ được giao.
Trên thực tế, một nhân viên ở lại văn phòng không có nghĩa là người đó đang làm việc hiệu quả. Họ thừa nhận rằng buổi chiều không phải là thời gian tràn đầy năng lượng nhất của họ, mà là buổi sáng (từ 7 giờ đến 11 giờ).
Về phía NSDLĐ, hơn một nửa trong số họ quan sát thấy rằng nhân viên vẫn đến văn phòng khi họ bị ốm hoặc cảm thấy không khỏe.
Một nhân viên bị ốm, kiệt sức, không tỉnh táo hoặc mất tập trung có thể dễ dàng gây ra vấn đề cho các đồng nghiệp khác.
Tương tự, áp lực phải có mặt đúng giờ khiến NLĐ vẫn cố gắng đến văn phòng ngay cả khi không thể hoàn thành công việc một cách hiệu quả.
Năng suất, sau tất cả, không đồng nghĩa với làm việc quá giờ hoặc có mặt tại văn phòng. Khi NLĐ không cảm thấy có năng lượng, họ sẽ không hoàn thành nhiệm vụ đề ra đúng thời hạn.
Vậy NSDLĐ có thể làm gì để cải thiện năng suất của nhân viên? Dưới đây là những gợi ý từ các chuyên gia nhân sự của Adecco Vietnam:
Cải thiện kỹ năng quản lý
Các nhà quản lý giỏi luôn tôn trọng và đánh giá cao nhân viên của họ, cũng như hỗ trợ kịp thời để họ hoàn thành nhiệm vụ một cách hiệu quả.
Trang bị cho nhân viên đầy đủ công nghệ, kiến thức và tinh thần làm việc nhóm có thể giúp thúc đẩy tốc độ làm việc và giảm thiểu rủi ro trong tương lai.
Hơn nữa, NSDLĐ nên tin tưởng, truyền cảm hứng và trao quyền để NLĐ phát huy toàn bộ tiềm năng của mình và thể hiện tốt nhất tại nơi làm việc.
Tăng động lực trong công việc
3/4 NLĐ thừa nhận rằng việc thiếu động lực ảnh hưởng tiêu cực đến sự tham gia của họ tại nơi làm việc.
Các yếu tố như không có cơ hội phát triển, không đủ lợi ích tốt hoặc môi trường làm việc không thoải mái dẫn đến sự thất vọng và giảm năng suất làm việc từ họ.
Người quản lý có thể lập kế hoạch và lộ trình cho mọi công việc, cũng như đề xuất các chương trình đào tạo liên tục để khuyến khích sự sáng tạo của nhân viên.
Điều này đảm bảo phân bổ đúng người vào đúng công việc và có thể theo dõi sự phát triển của NLĐ. Trình độ và kỹ năng tương ứng của NLĐ sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng năng suất lao động trong các doanh nghiệp.
Để có một môi trường làm việc tốt hơn, các công ty có thể cố gắng tạo ra một không gian làm việc yên tĩnh, rút ngắn thời gian hoặc giảm các cuộc họp không cần thiết, tăng cường giao tiếp trực tiếp và xác định lịch làm việc linh động với nhân viên.
Xây dựng chính sách khen thưởng minh bạch và công bằng
Để tập trung hơn, 52% NLĐ thường cố gắng thực hiện từng nhiệm vụ một và 37% người đặt thời gian giới hạn để hoàn thành nó. Phần lớn nhân viên cảm thấy không hiệu quả vì họ không biết những gì mong đợi họ ở nơi làm việc.
Khuyến khích nhân viên viết danh sách việc cần làm, đồng thời cung cấp các mục tiêu, mốc thời gian và KPI cụ thể trong ngắn hạn và dài hạn có thể giúp nhân viên tập trung vào những gì họ cần làm.
Phần thưởng và lợi ích cũng rất quan trọng để tăng năng suất, vì vậy NSDLĐ cần xây dựng chính sách khen thưởng minh bạch và công bằng dựa trên năng lực thực tế của nhân viên.