Rất nhiều bố mẹ phàn nàn là không thể nói chuyện được với con mình, đặc biệt là khi trẻ bắt đầu vào tuổi teen. Tình trạng trẻ đóng cửa phòng riêng, đi sớm về trễ để tránh gặp bố mẹ, từ chối đi chơi với bố mẹ mà chỉ muốn đi chơi với bạn bè… là những biểu hiện của sự thiếu kết nối giữa bố mẹ và con. Có một số lưu ý cho bố mẹ để cải thiện tình trạng này:
1. Thay các câu hỏi bắt đầu bằng What, Why, Where sang các câu hỏi bắt đầu bằng How
Thay vì hỏi: Con làm gì đó? Con đi đâu đó? Tại sao con làm như vậy?, bố mẹ có thể bắt đầu câu chuyện với con bằng các câu hỏi có tính quan tâm: Con thấy thế nào? Con có ổn không? Cách hỏi này sẽ khiến teen bớt cảm thấy bị soi mói, bị kiểm soát và quản lý, và làm cho teen cảm thấy được quan tâm, chia sẻ. Khi hỏi, bố mẹ nhớ nhìn sâu vào mắt con hoặc mỉm cười khích lệ. Bố mẹ cũng nhớ hạ nhỏ giọng xuống thay vì lớn tiếng cáu gắt.
2. Giao tiếp thân mật với bạn bè của con
Khi vào tuổi teen, thời gian trẻ giao tiếp với bạn bè nhiều hơn với bố mẹ. Vì vậy, việc làm bạn với bạn của con cũng sẽ khiến cho bố mẹ gần gũi với con mình hơn. Khi mua cho con một món quà, bố mẹ có thể mua cho cả bạn thân của con nữa. Nhớ hỏi tên và ghi nhớ tên các bạn thân của con. Việc bố mẹ quan tâm đến bạn bè của con cũng sẽ khiến cho teen cảm thấy bố mẹ gần gũi và là một phần của bạn bè mình.
3. Tạo những “ngày tự chủ” cho con
Bố mẹ cố gắng cho con một buổi/ngày trong tuần/tháng, để con thoải mái tự do sử dụng ngày của mình mà không cần phải thông báo cho bố mẹ biết. Nếu con ở nhà trong những ngày này, bố mẹ tránh làm phiền, tránh xuất hiện nhiều trước mặt con. Nếu con có kế hoạch ra ngoài chơi, bố mẹ chỉ cần được thông báo về địa điểm và thời gian là đủ. “Ngày tự chủ” sẽ giúp teen thỏa mãn được nhu cầu riêng tư của mình, đồng thời cũng là thông điệp mà bố mẹ gửi tới cho teen: bố mẹ tôn trọng nhu cầu riêng tư của con.
4. Tạo một quỹ chung cho bố mẹ và con
Mua một con heo đất hay làm một hộp giấy rồi cùng con trang trí xinh xinh, bố mẹ cùng con bỏ tiền vào heo đất theo quy ước chung mỗi tuần/tháng. Phần để dành này sẽ dùng để mua một món quà cho ông bà hay cho anh/chị/em của teen nhân dịp sinh nhật/lễ có liên quan. Phần đóng góp này sẽ giúp cho teen và bố mẹ có trải nghiệm chung một mục tiêu, và khi hoàn thành mục tiêu thì sẽ có trải nghiệm chung một đội. Cảm giác là một phần của kế hoạch sẽ khiến cho teen nhận biết vai trò và ảnh hưởng của mình trong gia đình, từ đó teen ý thức rõ hơn về trách nhiệm của mình với những người xung quanh.
5. Cho con trải nghiệm nấu ăn
Bố mẹ cùng con đi chợ và để con chủ động mua thực phẩm mà con thích. Khi về bếp, bố mẹ có thể đóng vai “phụ bếp” và khuyến khích con nấu món ăn nào mà con thích nhất. Bố mẹ cũng có thể “đề nghị” con nấu cho mình một món mà mình thích (nhưng đừng chọn món khó quá khiến con bối rối. Trải nghiệm này sẽ giúp ích nhiều cho con khi trẻ đi học xa nhà sau này, đồng thời sẽ khiến con cảm thấy thân thuộc với bếp gia đình – một phần của đời sống tình cảm gắn kết trong gia đình. Bố mẹ hãy nhớ rằng, dạy con từ trong góc bếp thường là những bài dạy mà trẻ ghi nhớ nhất, không phải trên bàn ăn cơm.
6. Lắng nghe con nói chuyện
Khi mối quan hệ bố mẹ và con cái đã tốt hơn, teen sẽ nói chuyện nhiều hơn với bố mẹ. Lúc này bố mẹ nhớ lắng nghe con một cách chú tâm nhé! Dù đang bận gì (bố mẹ lưu ý là chúng ta thường rất hay bận rộn trong khi con đang nói chuyện) bố mẹ cũng gác lại một chút để nghe xem con đang nói gì (thực ra là quan sát xem cảm xúc của con đang như thế nào qua cách nói của con). Nếu bố mẹ đang bận gấp quá, không thể hoãn được, thì nhớ khất với con “lát nữa cho bố mẹ nghe nhé”! Teen rất dễ “mất hứng” nên bố mẹ nhớ hạn chế những lần “xin khất” nhé! Khi bố mẹ lắng nghe con thành thực và chú tâm, giữa hai bên sẽ nảy sinh năng lượng tin cậy và đồng cảm, điều này tạo nên sự thấu hiểu của cả bố mẹ và con cái. Bố mẹ nhớ rằng teen sẽ hiểu bố mẹ hơn qua cách lắng nghe của bố mẹ, chứ không chỉ là cách bố mẹ nói đâu nhé!
7. Đăng ký tham gia khóa học chung
Hãy chọn một môn học mới không giới hạn độ tuổi, để cả bố mẹ và con cái cùng tham gia. Đó có thể là lớp học mỹ thuật thủ công hoặc lớp học lập trình (lưu ý là những môn càng mới thì cơ hội tiếp cận của bố mẹ và con cái là ngang bằng nhau). Việc học chung sẽ khiến cho teen có cảm giác bố mẹ đang cùng một bước tiến với mình, và bố mẹ cũng không ngừng học hỏi. Điều này giúp teen có thêm động lực học tập tự thân, dần dần sẽ rèn được thói quen học tập trọn đời, một kỹ năng cần thiết cho trẻ trong tương lai.
8. Khen ấm áp – chê hài hước
Con ở tuổi teen đặc biệt cần khen ngợi. Bố mẹ đừng ngại khen tóc, áo hoặc nụ cười con đẹp nhé! Một câu khen của bố mẹ có thể khiến con vui cả ngày đấy! Bố mẹ cũng tránh la mắng con vào đầu ngày nhé! Có khi chỉ vì bố mẹ la mắng vào buổi sáng, mà tâm trạng của teen sẽ tệ cả ngày đấy. Nếu muốn góp ý điều gì với teen, bố mẹ nên góp ý vào buổi tối, trước khi teen đi ngủ, và góp ý nhẹ nhàng. Nói chuyện “như hai người lớn với nhau” là một cách đối thoại mà teen đánh giá cao. Hoặc nếu được, bố mẹ có thể chê trách teen bằng những ví von hài hước, teen sẽ tiếp thu tốt hơn là những lời chê trách nặng nề đấy.
Chúc bố mẹ có những trải nghiệm giao tiếp, kết nối với con thật hạnh phúc!