Chuyện “bản lĩnh gối chăn” của nam giới xem ra cũng khó nói nên có nhiều quan điểm rất sai lầm, nếu không đính chính thì không ít đấng mày râu sẽ bị tuyệt vọng với “phong độ” yếu kém của họ.
Sai lầm 1: Chỉ có nam giới lớn tuổi mới bị rối loạn cương (RLC)
Trên thực tế, chỉ có 26% đàn ông dưới 40 tuổi mắc chứng RLC. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Y học giới tính (Journal of Sexual Medicine) cho thấy RLC ở người trẻ tuổi có xu hướng gia tăng. Cứ bốn người đàn ông dưới 40 tuổi thì có một người gặp “trục trặc”. Trong đó, gần một nửa số này bị RLC mức độ nặng, tương đương với nhóm trên 40 tuổi. Báo cáo công bố năm 2014 của Đại học Winsconsin (Mỹ) ghi nhận trong số những người RLC ở tuổi dưới 40, có đến 5% mắc chứng RLC hoàn toàn. Tỷ lệ “trục trặc” chung của nhóm tuổi tứ tuần là 40% và tăng lên 50% khi chạm ngũ tuần.
Sai lầm 2: RLC không bị ảnh hưởng bởi lối sống
Đó là một ngụy biện. Chính lối sống không lành mạnh, ví dụ hút thuốc lá, là nguyên nhân hàng đầu gây ra RLC. TS-BS Từ Thành Trí Dũng – Trưởng khoa Nam học của Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Thừa cân, béo phì, mỡ trong máu, tăng huyết áp, đái tháo đường… là những bệnh lý dẫn đến RLC. Chúng hình thành do thói quen ăn uống quá độ, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, ít luyện tập thể dục… Bên cạnh đó, cuộc sống căng thẳng, stress, lạm dụng máy vi tính, thức khuya, mất ngủ cũng là những nguyên nhân gây ra rối loạn cương ở nam giới trẻ tuổi”.
Sự cương cứng liên quan đến não, thần kinh, nội tiết tố, cảm xúc và hệ thống tuần hoàn máu. Những bộ phận này làm việc hài hòa với nhau, giúp các mô xốp trong dương vật đầy máu và trở nên cứng. Nam giới bị RLC thì bộ phận sinh dục khó có thể cương cứng hoặc duy trì trạng thái đó khi “lâm trận”.
Sai lầm 3: RLC không ảnh hưởng đến sức khỏe
RLC là biểu hiện sức khỏe tại chỗ của một bệnh lý toàn thân, được xem là dấu hiệu báo trước một số bệnh lý tim mạch tiềm tàng. Ai có cơ thể khỏe mạnh, cường tráng, tinh thần sảng khoái thì chắc hẳn không bị RLC. Do đó, việc duy trì lối sống tích cực lành mạnh có thể giúp kéo dài tuổi thọ cũng như sức khỏe tình dục.
Sai lầm 4: Có thể tự mua thuốc để cải thiện “bản lĩnh”
Bác sĩ Từ Thành Trí Dũng còn nhấn mạnh rằng người mắc chứng RLC tuyệt đối không tự ý sử dụng những loại thuốc rối loạn cương trôi nổi trên thị trường để tránh “tiền mất, tật mang”.
Các loại thuốc không rõ nguồn gốc có thể được sản xuất trong điều kiện vệ sinh kém, công nghệ lạc hậu, thành phần không rõ ràng có thể gây tác động phụ nguy hiểm cho sức khỏe. Các thuốc rẻ tiền có hoạt chất không đúng liều lượng, đôi khi còn chứa nhiều thành phần độc hại như amphetamine (chất gây nghiện kích thích hệ thần kinh trung ương) hay mực in (để có màu xanh giống thuốc chính hãng)… gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Nếu mua thuốc tây y trôi nổi trên thị trường thì có thể mua nhầm thuốc giả, khiến tình trạng bệnh nặng thêm hoặc sẽ gây ức chế, căng thẳng vì thuốc không có tác dụng điều trị. Tốt nhất là nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn dùng thuốc của nhà sản xuất có uy tín.Nhiều hãng dược lớn đã lên kế hoạch tuyên chiến với hàng giả. Tập đoàn Pfizer cho biết vào quý 1-2015 sẽ vận dụng công nghệ chống hàng giả tiên tiến, đây chính là hành động bảo vệ quyền lợi cũng như sức khỏe người tiêu dùng.
Sai lầm 5: Khó điều trị RLC
Căn bệnh khó nói này rất may là không khó trị. Khi phát hiện triệu chứng RLC, nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, thăm khám và tầm soát. RLC có rất nhiều nguyên nhân, từ thể chất đến tâm lý, nội tiết… và tùy nguyên nhân mà có phương pháp điều trị thích hợp.