Với lịch sử phát triển trên một trăm năm, Đà Lạt là một thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Namvà trên thế giới. Những biệt danh mà người ta tặng cho Đà Lạt phần nào nói lên bản sắc độc đáo của thành phố vào thời kỳ hoàng kim của nó trong thế kỷ XX: thành phố sương mù, thành phố ngàn hoa, thành phố ngàn thông, tiểu Paris châu Á. Từ đầu thập niên 1990 đến nay, Đà Lạt phát triển ngày càng nhanh, cũng giống như các đô thị khác trên cả nước, nhờ vào các chính sách đổi mới và cải cách kinh tế. Thành phố ngày càng đông đúc, đời sống người dân được cải thiện đáng kể, nhưng để đánh đổi, các giá trị từng đem lại bản sắc quy hoạch kiến trúc cho Đà Lạt lại đang dần dần bị mất đi, dẫn đến sự mâu thuẫn ngày càng sâu sắc giữa vấn đề bảo tồn và phát triển thành phố.
Dường như càng phát triển tự do theo cách làm hiện nay, Đà Lạt càng giống một Sài Gòn trên cao nguyên hơn và càng xa rời với những giá trị từng đem lại sự độc đáo thu hút du khách của ngày xưa.
Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt
Nhưng Đà Lạt không phải là Sài Gòn, do đó không nên phát triển theo cách của Sài Gòn, mà lại bỏ qua những giá trị khác biệt mà Sài Gòn không thể có được. Trong khi không gian bản sắc của Sài Gòn được định hình chủ yếu bởi các không gian lịch sử 300 năm và không gian cao tầng hiện đại, thì Đà Lạt lại không giống như vậy. Bản sắc Đà Lạt chỉ có thể được tôn vinh và phát triển qua ba định hướng nền tảng, đó là việc tái lập giá trị không gian nghỉ dưỡng lãng mạn, củng cố và mở rộng không gian văn hóa Âu Việt, và phát triển không gian hiện đại tương lai một cách cẩn trọng.
Không gian nghỉ dưỡng lãng mạn
Giá trị lớn nhất mà Đà Lạt có thể đem lại cho chúng ta là một không gian nghỉ dưỡng lý tưởng, tạo thành bởi không gian xanh đồi núi và không gian nước, với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, khí hậu mát mẻ quanh năm.
Hồ Tuyền Lâm
Rừng thông bao quanh thành phố và đan xen vào khu đô thị tạo nên một cảnh quan nền xanh mát, cao vút, thơm mùi dầu thông. Các rừng thông và không gian xanh cần được bảo vệ, mở rộng, kết nối với nhau thành một hệ thống giao thông cảnh quan xanh thuận tiện cho người đi bộ và người đi xe đạp, với các điểm dừng ngắm cảnh thành phố và cảnh thiên nhiên dọc theo tuyến.
Với địa hình đồi núi, nếu khéo tổ chức giao thông thì đi bộ và xe đạp có thể nhanh không kém gì đi xe máy hay ôtô, thú vị hơn nhiều, mà lại không gây ô nhiễm môi trường. Các hồ nước (Xuân Hương, Than Thở, Tuyền Lâm…) kết hợp với các dòng suối và thác nước (Cam Ly, Datanla,…) không chỉ tạo nên các cảnh quan yên tĩnh bên rừng thông, mà sẽ còn giúp dẫn gió với hơi ẩm vào làm mát đô thị, tạo sương mù lúc ban mai cũng như hoàng hôn, nếu như cơ cấu cây xanh mặt nước được chỉnh trang lại, có tính toán đến nắng và gió, sửa chữa lại tình trạng bê tông hóa đô thị quá mức của hai thập niên trước. Như vậy, những công trình kiến trúc mới dù không cầu kỳ, phô trương sẽ vẫn đẹp thơ mộng sau lớp sương mù huyền ảo, mát mẻ lúc bình minh hoặc hoàng hôn.
Hồ Xuân Hương
Cái lạnh nơi đây rất nhẹ nhàng êm ái, chứ không khắc nghiệt như cái lạnh buốt xương của miền Bắc. Cảnh tượng các cô nữ sinh mặc áo dài với áo len đủ màu, má hồng hồng, đạp xe đi học trong sương sớm buổi mai, là một hình ảnh độc đáo của Đà Lạt.
Nhưng Đà Lạt hiện nay đang ngày càng nóng dần lên. Việc một số khách sạn bắt đầu lắp máy lạnh càng làm cho thành phố “nóng” lên nhanh hơn. Để phục hồi chiếc “máy lạnh thiên nhiên khổng lồ” của thành phố trở lại hoạt động lại tốt hơn xưa, thành phố này cần đặt chỉ tiêu diện tích xanh trong đô thị cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác của ViệtNamvà cần hướng dẫn cách xây dựng kiến trúc xanh cho người dân. Ví dụ như, các công trình nên sử dụng vật liệu tự nhiên ở địa phương và hạn chế sử dụng nhôm kính cho mặt tiền, mái nhà nên sử dụng ngói thay vì mái tôn và các ngôi nhà cao trên hai tầng nên giật cấp vào trong tạo thành các sân vườn trên cao.