Từ ngày 6 đến 11-10, thành phố Quebec (Canada) tổ chức cuộc họp thượng đỉnh Hợp tác xã quốc tế. Sự kiện này được gọi là “phong trào hợp tác xã Davos”, tương tự tên gọi của cuộc họp thường niên dành cho các quan chức tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos (Thụy Sĩ).
Trong năm 2011, phí hội viên và tham gia hội nghị Davos là 71.000 USD, trong khi đăng ký tham dự hội nghị thượng đỉnh Hợp tác xã quốc tế chỉ có 1.300 USD. Chương trình chủ yếu tập trung vào cộng đồng doanh nghiệp hợp tác xã quốc tế. Trong thành phần bảo trợ hàng đầu có Chính phủ Canada và các tập đoàn như Microsoft, I.B.M., Google, McKensey, Ernst&Young, Deloitte… Trang web của hội nghị thượng đỉnh cho thấy doanh số của 300 hợp tác xã lớn nhất thế giới lên đến 1.600 tỉ USD, “tương đương một nền kinh tế đứng thứ 9 thế giới trong năm 2008”. Hội nghị thượng đỉnh lần này cũng sẽ có chương trình đào tạo lãnh đạo hợp tác xã. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng vì hầu hết các chương trình quản lý doanh nghiệp chỉ dành thời gian ngắn cho đề tài này. Chỉ có một định chế thuộc khu vực Bắc Mỹ đào tạo và cấp bằng thạc sĩ quản lý hợp tác xã cũng như quản lý loại hình liên hiệp tín dụng là Đại học St. Mary tại Halifax (tỉnh Nova Scotia, Canada). Doanh nghiệp thuộc loại hình hợp tác xã đang phát triển vì có thể người ta thất vọng với nhiều mô hình kinh tế khác. Nhiều nước có nền kinh tế tự cung tự cấp cũng rất quan tâm đến loại hình kinh doanh này.
Không biết có cạnh tranh nổi với Diễn đàn Davos không, nhưng hợp tác xã vẫn sẽ giữ vai trò quan trọng trong sản xuất lương thực toàn cầu. Tổ chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc từng bảo trợ cho nhiều hoạt động chào mừng tháng 10 đã ghi nhận rằng hợp tác xã nông nghiệp chiếm một tỷ lệ lớn trong sản xuất sữa, cà phê và bông vải tại nhiều nước. Ngay tại Hoa Kỳ, nơi có nhiều công ty kinh doanh nông sản, hợp tác xã vẫn chiếm đến 80% sản phẩm sữa và còn đang đi vào lĩnh vực làm kem như Hợp tác xã KaleidoScoops tại bang Texas.
Thiên Bảo theo NYT 1-10-2012