Các nhân viên trẻ và có năng lực trong độ tuổi 20 thường muốn được học hỏi và nhận được sự khẳng định của cấp trên về thành tích làm việc của họ.
Những nhân viên trẻ giỏi nhất trong các doanh nghiệp thường là những người cảm thấy được động viên khi đạt được sự tiến bộ trong công việc nhiều hơn so với khi được tăng lương. Dưới đây là những bí quyết để động viên họ.
1. Đào tạo và dẫn dắt
Những sếp giỏi nhất của các nhân tài trẻ là những người luôn lấy mục tiêu đào tạo và dẫn dắt các thế thệ đi sau họ làm niềm vui, là động lực chính trong công việc và sự nghiệp.
Họ tự hào khi giúp đỡ các nhân viên trẻ phát triển nghề nghiệp và thường dành nhiều thời gian để giảng giải cho nhân viên dưới quyền biết đâu là những bất lợi và thuận lợi trong mỗi giải pháp, giúp họ có cơ sở để ra những quyết định hợp lý.
Các nhân viên trẻ sẽ hào hứng hơn khi cảm thấy mình nắm bắt được những vấn đề mấu chốt trong quá trình ra quyết định, chia sẻ được những suy nghĩ của cấp trên, từ đó làm việc tốt hơn.
Những nhà quản trị giỏi cũng thường tổ chức các buổi đào tạo huấn luyện nhân viên trẻ về nhiều khía cạnh khác nhau trong hoạt động kinh doanh, giúp họ nắm bắt được thực tế sắc sảo hơn và có suy nghĩ chín chắn hơn.
Những công ty lớn thường có chương trình thuyên chuyển công việc cho các nhân tài trẻ. Các công ty nhỏ hơn thì tổ chức những buổi hội thảo chuyên đề để tăng cường hiểu biết cho các nhân viên trẻ về những lĩnh vực khác nhau trong hoạt động của doanh nghiệp.
2. Để nhân viên trẻ tham gia vào quá trình ra quyết định khi vừa mới gia nhập công ty
Các nhà quản trị giỏi thường để cho nhân viên trẻ có quyền ra quyết định trong lĩnh vực đã được giao, cho họ tập sự ở vai trò giám đốc điều hành.
Tất nhiên, ngay cả những nhân viên trẻ và tài năng nhất cũng có thể bị lúng túng khi được trao quyền nhưng họ sẽ nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh và sẽ tự giành lấy thế chủ động trong công việc.
3. Công khai khen thưởng những nhân viên trẻ có thành tích tốt
Cách làm truyền thống là khen ngợi trước tập thể thành tích của những tài năng trẻ. Một cách làm khác ít phổ biến hơn nhưng cũng có tác dụng khá tốt là yêu cầu các nhân viên trẻ có tiềm năng đứng trước đám đông giới thiệu về ý tưởng mới của họ vốn đã được đa số các quản trị viên đánh giá tốt. Việc làm này sẽ giúp nhân viên trẻ chứng minh được sự trưởng thành của mình trong mắt các đồng nghiệp.
4. Đặt ra những câu hỏi thường xuyên
Sếp nên thường xuyên đặt ra những câu hỏi đi ngược lại tình thế thực tế hoặc giả định tình huống xấu nhất xảy ra nhằm kích thích suy nghĩ độc lập của các nhân viên trẻ, giúp họ phát huy năng lực sáng tạo của họ. Câu trả lời cũng sẽ giúp các sếp nhận ra những mặt chưa hiệu quả trong hoạt động của doanh nghiệp.
Cũng có khi xảy ra tình huống là những điều mà nhân viên cho là tồi tệ lại là hữu dụng đối với doanh nghiệp nếu được hiểu theo đúng hoàn cảnh. Nhà quản trị giỏi thường biết tận dụng ngay cơ hội này để thực hiện các dự án đột phá, động viên các nhân viên mạnh dạn nêu ra những ý tưởng táo bạo của họ.
5. Tạo điều kiện để nhân viên trẻ tương tác nhiều hơn với các đồng nghiệp lớn tuổi
Thực tế cho thấy các nhân viên trẻ thường e ngại khi làm việc, trao đổi với các đồng nghiệp lớn tuổi, có thâm niên hơn họ.
Vì vậy, các sếp nên trực tiếp làm cầu nối để gắn kết việc trao đổi thông tin giữa các nhân viên trẻ với các nhân viên lớn tuổi hơn.
Ngoài ra, có thể sử dụng các sự kiện của công ty để tăng cường sự tương tác giữa các nhân viên trẻ với các đồng nghiệp khác, chủ động giới thiệu họ và khuyến khích mọi người hợp tác trong công việc.
6. Thể hiện sự quan tâm cá nhân
Một việc làm đơn giản nhưng ít được các sếp áp dụng là thể hiện sự quan tâm đến nhân viên vào những dịp sinh nhật của họ. Sếp chỉ cần gọi điện, gặp trực tiếp hay gửi cho nhân viên một món quà nhỏ với lời chúc mừng. Các nhân viên rất vui nếu sếp nhớ ngày sinh của họ.
7. Không nên tạo ra lý do giả để khen ngợi nhân viên
Các nhân viên trẻ rất nhạy cảm với những gì sáo rỗng, không chân thật. Những hành động giả tạo sẽ làm sếp bị mất lòng tin ở nhân viên.
8. Đề cao những nỗ lực dài hạn và làm gương về mặt này
Những nhân viên trẻ tài năng nhất sẽ rất ngưỡng mộ những người biết đầu tư cho những kết quả lâu dài.
9. Đặt ra những dự án và mục tiên ngắn hạn
Những người trẻ thường có nhiều quan tâm nhưng những điều mà họ quan tâm thường không tồn tại lâu. Đó là một thực tế mà các sếp cần phải chấp nhận để thích ứng khi quản lý các nhân viên trẻ.
- Xem thêm: Thế hệ nhân viên trẻ
Có thể đối phó với điểm yếu đó của các nhân viên trẻ bằng cách đặt ra những kế hoạch ngắn hạn, chẳng hạn lên lịch làm việc trong tuần, trong ngày để giúp họ tập trung nhiều hơn vào điều đang quan râm và làm việc với hiệu suất cao hơn.
10. Sa thải những nhân viên làm việc không tốt
Các nhân viên trẻ có năng lực sẽ rất bất mãn nếu trong nhóm của họ tồn tại những phần tử làm việc không tốt hay có biểu hiện lười biếng.
Họ dễ ganh tị với những nhân viên không có năng lực nhưng vẫn luôn được các sếp bao bọc. Để không làm phân tâm nhân tài trẻ, các sếp cần phải mạnh tay “làm trong sạch” môi trường làm việc của họ.
11. Cẩn trọng với những biểu hiện về quyền lực
Những vị sếp trẻ thường phạm phải sai lầm này. Sự hời hợt trong giao tiếp hay những biểu hiện trịch thượng dù vô tình hay cố ý sẽ làm các sếp đánh mất sự nể trọng từ các nhân viên trẻ.