Tuy không phải là giáo viên yoga nhưng chị Mai Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Stella, lại được khá nhiều người tìm đến khi họ cần được tư vấn về yoga. Chị Ngọc Hà đã kinh qua các lớp yoga từ cơ bản đến nâng cao và cả lớp huấn luyện viên yoga. Không thỏa mãn với giáo trình có phần sơ sài nhận được ở các trung tâm, chị tự tìm mua sách và đọc nhiều tài liệu về yoga, về giải phẫu học cơ thể ở các tạp chí nước ngoài. Chị cho biết:
Sau khi tìm đọc nhiều tài liệu, tôi mới thấy kiến thức về yoga rất rộng lớn. Một số huấn luyện viên tại Việt Nam chỉ có kiến thức hữu hạn về bộ môn này nên không thể truyền đạt một cách đầy đủ cho học viên.
Nhiều người tập luyện bình thường chỉ nghĩ đơn giản yoga là “thuốc thần” giúp họ giảm cân, trẻ đẹp, điềm tĩnh… nhanh chóng. Sự thật không phải như vậy. Muốn giảm cân nhanh thì tập gym nói chung hoặc chạy bộ, đạp xe phù hợp hơn vì giúp tiêu hao năng lượng nhanh hơn. Yoga cũng giúp giảm cân nhưng phải tập kiên trì trong một thời gian dài và phải tập các tư thế yoga phù hợp. Yoga giúp người tập trông trẻ trung hơn nhưng mà phải kết hợp ăn uống hợp lý, chế độ sống lành mạnh. Các động tác yoga chỉ giúp cho cơ thể dẻo dai, tinh thần phấn chấn, dẫn đến thái độ và hành vi trong cuộc sống nhẹ nhàng hơn, điềm tĩnh hơn chứ không thể giúp thay đổi tính cách của một người nếu họ không chú ý tập luyện để thay đổi.
Vậy thực ra, yoga là gì?
Thực tế, yoga là một lối sống, không phải là môn thể dục đơn thuần. Tập yoga muốn có kết quả thì phải mất ít nhất sáu tháng đến một năm, hướng đến sự cân bằng toàn diện về thân – tâm – trí. Thân là cơ thể hữu hình chúng ta đang có. Việc tập luyện các thế yoga kết hợp với hít thở đúng mỗi ngày, chúng ta sẽ có một cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai, bền sức. Nói một cách đơn giản là chỉ cần tập các động tác trên thảm theo hướng dẫn của huấn luyện viên thì sẽ tập được thân. Còn tâm là tâm hồn, tâm trí thì việc luyện tập khó hơn, phải luyện tập bằng sự cảm nhận của cá nhân, bằng trái tim, hàng giờ, hàng phút trong cuộc sống. Sau khi ra khỏi phòng tập, chúng ta cũng phải tự nhắc tâm điềm tĩnh, không vội vàng quyết định khi nóng giận. Tôi từng là một người rất nóng tính và nghiêm khắc nhưng nhờ tập luyện để cái “tâm” luôn “tịnh” trong mọi tình huống, tôi thấy tính mình nay đã “nguội” đi nhiều, nhờ vậy mà tôi đã tránh được nhiều hậu quả không mong muốn và cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn.
Khi luyện tập được tâm rồi chúng ta sẽ luyện tập được trí (trí tuệ). Luyện tập trí được cân bằng, chúng ta sẽ trở nên minh mẫn, sáng suốt, luôn có những quyết định, những hành động đúng đắn, chừng mực.
Theo chị, việc luyện tập yoga ở một số nơi vẫn chưa hiệu quả, vì sao?
Thứ nhất là do lớp học quá đông, gần cả trăm học viên nên huấn luyện viên không thể chỉnh sửa tư thế sai cho từng học viên được. Ngày trước, lớp tôi học chỉ khoảng 20-25 người nên huấn luyện viên dễ dàng nhìn thấy và điều chỉnh kịp thời từng lỗi nhỏ cho học viên. Huấn luyện viên cũng phải có kiến thức đủ để có thể giải thích cho người tập hiểu sự khác nhau giữa các vị trí, tư thế… một cách rõ ràng. Chẳng hạn như bàn chân xoay 90 độ và 45 độ sẽ tạo nên những tác động khác nhau đến cơ thể.
Thứ hai, nhiều nơi chuộng giáo viên người nước ngoài, nhiều nhất là Ấn Độ. Sự khác biệt về ngôn ngữ cũng là một trong những yếu tố đáng lưu ý khi tập luyện. Nhiều học viên không thể nghe hiểu được huấn luyện viên nói gì, nên họ chỉ biết làm theo huấn luyện viên hoặc người bên cạnh. Bản chất của yoga là hướng nội, hướng về bản thân, hiểu và cảm nhận chính mình. Nên việc tập theo người khác, dù đó là huấn luyện viên, cũng gây mất tập trung, từ đó khiến cho việc tập luyện yoga kém hiệu quả.
Thứ ba, phần lớn người luyện tập yoga chưa hiểu được bản chất của yoga. Họ chỉ đơn thuần tập yoga như môn thể dục. Họ cố gắng uốn thật dẻo như huấn luyện viên, cố gắng đứng bằng đầu cho được như người kế bên, thậm chí họ còn tập thật nhiều mỗi ngày. Khi không hiểu được cơ thể mà chỉ cố gắng làm cho bằng người khác thì mất hết tác dụng của yoga, không tập luyện cho thân cũng như tâm, trí.
Như vậy, chúng ta phải tập yoga như thế nào mới hiệu quả?
Người tập yoga thì phải “tập” từ trong phòng ra ngoài đường, tập từ câu lạc bộ đến nhà, văn phòng, cơ quan, tập mọi lúc mọi nơi… để chúng ta không chỉ có một cơ thể khỏe mạnh mà còn có thần thái tươi, trẻ và trí tuệ minh mẫn, sáng suốt.
Tôi may mắn được tập luyện yoga với một huấn luyện viên rất tâm lý và nghiêm khắc ở một câu lạc bộ nhỏ trên đường Hai Bà Trưng (TP. Hồ Chí Minh). Cô khuyến khích học viên không than thở, không khó chịu trong các thế khó, vì như thế là đang tạo ra năng lượng tiêu cực cho bản thân và những người xung quanh. Tất cả học viên đều phải vui tươi khi luyện tập để tạo ra nguồn năng lượng tích cực. Muốn tập yoga hiệu quả thì học viên cần phải tập trung toàn bộ tâm trí vào các bài tập. Vì thế, học viên chỉ được mang theo một chiếc khăn lau mồ hôi khi vào phòng tập, không điện thoại, không phụ kiện. Một số người vừa tập vừa xem điện thoại thì khó mà có kết quả.
Khi tập trung luyện tập, những tư thế, những động tác sẽ giúp cơ thể dẻo dai dẫn đến tinh thần phấn chấn. Nhưng nếu ra khỏi phòng tập, chúng ta không tiếp tục luyện tập thì khó mà thành lối sống yoga. Bản thân tôi cũng đã tự tập rất nhiều trong năm năm qua. Khi gặp chuyện dễ nổi nóng hoặc không hài lòng, tôi lại tự nói: “Bình tĩnh đi Hà, không được nổi nóng. Mình tập yoga mà…”. Nhiều lần như vậy tạo thành thói quen, rồi thành một phản xạ có điều kiện. Như vậy, chúng ta tạo cho bản thân thái độ tích cực thì mới có hành vi tích cực, cụ thể là sự điềm tĩnh trước mọi vấn đề trong cuộc sống.
Ngoài giúp chị trở nên điềm tĩnh hơn thì yoga đã tác động tích cực đến chị như thế nào?
Có lẽ là cho tôi sức bền. Tôi đi bộ, leo cầu thang và leo núi khá tốt. Tôi không đi nhanh nhưng đi bền và không bị kiệt sức. Mới đây nhất là chuyến leo lên đỉnh Tiger’s Nest cao 3.120m tại Bhutan và chuyến trekking Tú Làn và Hang Va ở Quảng Bình. Ngoài ra, tôi bất ngờ phát hiện mình không còn bị say xe như trước. Trước đây tôi bị say xe kinh khủng, nay thì đi trên những cung đường ngoằn nghèo dằn xóc tôi cũng không còn bị chóng mặt, nôn ói nhiều như trước. Các tư thế yoga đã tác động vào cơ thể theo một cách nào đó.
Khi tập yoga, tôi đã có những thói quen tốt như hít thở bụng (cách hít thở đúng bản năng con người) hoặc ngồi thẳng lưng khi làm việc, chạy xe, không khom cúi khi nhặt đồ trên sàn, mang vác vật nặng, mang giày để giúp cột sống “đỡ khổ” hơn. Nhiều người hỏi: “Sao cực quá vậy?” nhưng đây lại là cách luyện tập hiệu quả cho sức khỏe hằng ngày. Đó cũng là sự khác nhau giữa người có tập yoga và người không tập.
Cảm ơn chị về những chia sẻ trên.
- Thanh Nhã