Việc luyện tập Yoga tại văn phòng sẽ giúp giảm bớt những cơn đau và hạn chế được một số bệnh văn phòng cho nhân viên công sở.
Nếu bạn đặc biệt yêu thích công việc của mình, bạn quá bận rộn và phải làm việc hơn 40 giờ mỗi tuần tại bàn giấy đôi khi có thể sẽ mắc phải một số bệnh thường gặp của nhân viên văn phòng như chứng đau đầu vào mỗi buổi sáng, hay là những cơn đau bất chợt hoặc kéo dài trong nhiều ngày ở cùng cổ, vai, lưng hay tay, chân, và có khi là bị mỏi mắt, giảm thị lực,… Đó là triệu chứng cho biết cơ thể bạn đang đòi hỏi sự tuần hoàn máu, hay cần cung cấp thêm ô xy và các loại chất lỏng khác. Vậy phải làm gì khi gặp phải tình huống này?
Mời bạn tham khảo các động tác Yoga đơn giản, dễ thực hiện, không mất nhiều thời gian (chỉ cần dành dành 3 phút mỗi 2 giờ để thực hiện), nhưng khá hữu ích vì có thể giảm bớt sự mệt mỏi, căng thẳng trong công việc và đặc biệt có thể thực hành ngay tại văn phòng .
Cảm giác mắt nặng và mỏi
Có thể bạn chưa xác định được chính xác nguyên nhân làm cho đôi mắt mình luôn nặng trì, mỏi và cảm giác mở không lên cũng như bạn khó biết được vì sao mình hay bị mỏi mắt. Nếu để ý một chút, bạn sẽ nhận thấy khi bạn chăm chú nhìn vào màn hình máy tính, hoặc khi đọc, mắt và cả khuôn bạn phải căng lên. Phải chăng đây là nguyên nhân khiến bạn thường xuyên bị mỏi mắt kinh khủng.
Thêm vào đó, khi bạn ngồi hàng giờ trước màn hình máy tính để xử lý công việc hoặc đọc thông tin trên mạng, màn hình máy tính phát sáng có thể là nguyên nhân làm thần kinh thị giác của bạn bị mệt mỏi và từ đó tác động làm ảnh hưởng đến não và cũng là một trong những nguyên nhân làm mắt bạn bị mỏi thường xuyên.
Bạn phải làm gì để tránh tình trạng bị mỏi mắt mà vẫn có thể sử dụng máy tính để xử lý công việc hàng ngày và lướt web thư giãn?
=> Hãy luyện tập các động tác Yoga
Hãy chuyển hướng sự tập trung của đôi mắt bạn từ màn hình máy tính vào những đối tượng khác nhau, không nhất thiết lúc nào cũng chăm chú dán mắt vào một đối tượng duy nhất là chiếc máy tính trước mặt!
Bây giờ, bạn hãy ngồi trên ghế, ngay tại bàn làm việc, đặt cầm song song với sàn nhà. Bạn không cần phải di chuyển bất kỳ bộ phận nào của cơ thể ngoại trừ đôi mắt Việc bạn phải làm là tập thể dục cho đôi mắt của mình: ngước mắt nhìn lên theo phương thẳng, tập trung vào một điểm như hai kim đồng hồ đang chỉ 12h, nghiêng qua phải như đồng hồ chỉ lúc 3h, sau đó, nhìn xuống theo phương thẳng đứng như hai kim đồng hồ chỉ lúc 6h, và bây giờ thì hướng mắt qua bên trái như kim đồng hồ chỉ lúc 9h, sau đó quay lại hướng 12h.
Thật nhẹ nhàng và dễ thực hiện! Bạn hãy tập đi tập lại động tác này 5 lần sau vài giờ làm việc trong ngày nhé.
Đau ở cổ và vai
Hội chứng đau cổ và vai thông thường không nguy hiểm, song có thể gây ra nhiều lo lắng, khó chịu, mệt mỏi cho người bệnh, làm giảm sút sức lao động và chất lượng cuộc sống. Rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến hội chứng đau cổ và vai. Các nguyên nhân thông thường nhất có thể kể đến như ngồi làm việc sai tư thế trong thời gian dài, ngồi làm việc liên tục với máy tính, sai tư thế khi lái xe, gối đầu, ngủ tựa đầu lên ghế, nằm xem tivi… . Chứng đau cổ và vai làm cho bạn có cảm giác nặng nề lúc phải đi đứng, di chuyển, chứ không phải lúc phải ngồi. Đầu của bạn có thể sẽ nặng như một quả bóng bowling, vì vậy khi bạn đẩy, thả, hoặc nghiêng đầu về phía trước để tập trung vào công việc, cổ của bạn là điểm tựa để chiụ và đỡ gần như toàn bộ khối trọng lượng của phần đầu. Bạn sẽ làm gì để có thể giảm nhẹ hội chứng đau cổ và vai?
=> Hãy luyện tập các động tác Yoga
Đứng vững trên sàn nhà, hai chân dang rộng. Đặt bàn tay bạn trên các góc của lưng dưới với ngón tay chĩa xuống sàn nhà. Xoay vai của bạn lên trên, xoay ngang, hạ xuống; đưa khuỷu tay lại gần mà không cần nhấn vào phần hông hay vai bạn; hoặc vươn người thẳng ra phía trước. Hãy hít vào thật sâu. Bây giờ, bạn giữ chân thật vững trên sàn nhà, nhướng người lên quá đĩnh đầu, nhẹ nhàng uốn cong cổ và vai. Nhấn khuỷu tay của bạn gần hơn, nâng lên cao quá ngực. Giữ tư thế này với 5 lần hít thở sâu.
Nếu bạn bị chứng đau cổ tay và bàn tay
Chứng đau cổ tay và bàn tay có thể được xác định nguyên nhân là do đánh máy vi tính, click chuột – đó là một chuyển động được lặp đi lặp lại và bạn phải làm việc đó hàng giờ khi bạn là nhân viên văn phòng. Bạn phải dùng lực từ các đầu ngón tay để đánh máy làm máu dồn về đây, lưu thông không đều dẫn đến tính trạng tê cứng các ngón tay, lâu ngày gây nên chứng đau bàn tay và cổ tay là điều không thể tránh khỏi.
=> Hãy luyên tập các động tác Yoga
Bạn ngồi tại bàn làm việc, đặt hai chân trên mặt phẳng sàn nhà, thả lỏng hông, thẳng lưng, vai cũng được nhẹ nhàng thả lỏng ra . Chấp hai lòng bàn tay lại và đan các ngón tay lại với nhau. Hít một hơi thật sâu, đưa hai cánh tay ra phía trước, dùng hai lòng bàn tay ấn sát vào nhau. Sau đó nhẹ nhàng thở ra, đồng thời nâng hai cánh tay lên cao quá đầu và cố gắng để khuỷu tay càng thẳng càng tốt. Nếu vai bạn cao, hãy giữ cho khuỷu tay hơi cong. Giữ tư thế này tập hít thật sâu, nhẹ nhàng thở ra trong vòng 10 nhịp thở ; Đến nhịp thở cuối cùng, bạn hạ thấp hai cánh tay xuống. Lặp lại toàn bộ các động tác trên thêm 2 lần nữa.
Đau ở bàn chân và mắt cá chân
Thủ phạm gây ra chính là đôi giày cao gót của bạn. Mang giày cao gót, lúc đứng hoặc di chuyển, phần đầu hai bàn chân bạn sẽ phải gánh chịu sức nặng của toàn bộ trọng lượng cơ thể đổ dồn về. Độ cao nhọn của gót giày đã thu hẹp không gian tiếp xúc cũng như khả năng kết nối vững chắc của bàn và gót chân với mặt đất; Ngoài ra, bộ khung xương cũng bị ảnh hưởng không nhỏ vì phải làm điểm tựa cho trọng lượng cơ thể trong khi bản thân nó “đứng” chênh vênh trên gót giày cao chót vót và nhỏ xíu.
=> Hãy luyện tập các động tác Yoga
Hãy bỏ đôi giày cao gót ra khỏi đôi chân bạn. Tiếp theo, ngồi trên ghế, bắt chéo mắt cá chân bên phải qua phần đùi bên trái; Đan các ngón của bàn tay trái vào các ngón chân; Bắt đầu xoay vòng tròn bằng mắt cá chân – mỗi hướng xoay 10 vòng. Kế tiếp, bạn cẩn thận thả lỏng các ngón chân và đầu bàn chân; Uốn cong các ngón chân về phía cẳng chân và sau đó đi dần xuống phía gót chân của bạn. Hãy luyện tập động tác này mỗi hướng 5 lần. Và bây giờ, bạn sử dụng ngón tay cái của mình, nhẹ nhàng xoa bóp phía dưới bàn chân, đặc biệt là lòng và gót bàn chân. Cứ thế bạn lần lược thực hiện các động tác trên cho cả hai chân mình nhé.
- Giang Thanh theo WH