Một vài ý tưởng mới được công bố gần đây cho thấy sự phát triển của ngành hàng không thương mại thật sự không có giới hạn. Mọi tiêu chuẩn, mọi ý tưởng đều có thể thực hiện cho hành khách ở độ cao trên 10.000m.
Vượt qua giới hạn của trọng lượng
Hãng sản xuất máy bay Airbus đang thai nghén ý tưởng sản xuất chiếc A380-900 có sức chứa gần 1.000 hành khách. Mặc dù vẫn còn nằm trên bảng phác thảo nhưng nếu không có gì trở ngại, hãng sẽ chính thức cho ra mắt chiếc máy bay khổng lồ này vào năm 2020. Được biết, A380-900 được Airbus lên kế hoạch cho ra mắt trước cả chiếc A380-800 nhưng vì lý do phần mềm chưa hoàn thiện nên phải dừng dự án vào tháng 5-2010. Theo những nhà quản lý của Airbus thì hiện tại hãng đang tập trung toàn bộ lực lượng để sản xuất các loại máy bay A380 đã đưa vào khai thác tại các hãng hàng không. Chiếc A380-900 đã hoàn tất phần thiết kế và có thể khởi động dự án sản xuất bất cứ thời điểm nào, tuy nhiên vì đánh giá nhu cầu thị trường chưa cao nên Airbus chưa công bố dự án này. Chiếc A380-900 nếu hoàn tất sẽ có sức chứa ít nhất là nhiều hơn chiếc A380-800 (650 ghế cho đủ các khoang hạng) hiện nay khoảng 100 ghế và nếu lắp ghế cỡ phổ thông đầy hết tàu thì con số có thể lên đến hơn 900 ghế.
Airbus nhận được những đánh giá cao từ các hãng hàng không cho loại máy bay A380 hiện đang khai thác, tuy nhiên một số hãng vẫn cho là chúng còn khá nhỏ. Một khi yếu tố kỹ thuật không còn là vấn đề thì việc cho ra đời dòng máy bay khổng lồ hơn là trong tầm tay của nhà sản xuất. Tuy nhiên thị trường tiêu thụ mới là điều quyết định. Những dòng máy bay khổng lồ này là niềm tin của Airbus vào thị trường vận chuyển hàng không toàn cầu sẽ tạo nên những sân bay có khả năng tiếp đón hàng triệu lượt khách dành cho những đường bay dài với lượng trung chuyển hơn 10.000 lượt khách quá cảnh mỗi ngày.
Chương trình chăm sóc khách hàng không giới hạn
Những ý tưởng dịch vụ mà các hãng hàng không đưa ra nhằm cạnh tranh và thu hút khách hàng thường không có mẫu số chung. Thỉnh thoảng ở một vài dịch vụ chăm sóc khách hàng được các hãng khai thác hoàn toàn trái ngược nhau. Một trong những ví dụ điển hình đó là việc chọn đối tượng khách hàng ưu tiên phục vụ. Nếu đã từng chứng kiến những “free kids zone”, “quiet zone”… trên chuyến bay của một vài hãng hàng không thì ngược lại, với một số hãng hàng không khác bạn sẽ thấy trẻ em lại là đối tượng chính được chăm sóc một cách đặc biệt bằng những tiếp viên được huấn luyện một cách chuyên nghiệp.
Năm 2003, Hãng hàng không Gulf-Air của Bahrain là một trong những hãng hàng không đầu tiên giới thiệu dịch vụ dành cho đối tượng hành khách là các gia đình có con nhỏ mang tên “Sky Nanny”. Những bảo mẫu tiếp viên của Gulf-Air sẽ được huấn luyện để giúp làm thủ tục lên và xuống máy bay, đăng ký hành lý cho những đứa trẻ và chăm sóc chúng khi bố mẹ chúng ngủ trong các chuyến bay dài. Đối với trẻ sơ sinh hay nhỏ tuổi, các tiếp viên bảo mẫu sẽ chuẩn bị các loại thức uống hoặc thức ăn có phục vụ trên máy bay và giúp trẻ dùng bữa một cách thoải mái nhất. Trẻ sơ sinh thì được đặt trong nôi và các tiếp viên thường xuyên quan sát cũng như chăm sóc đứa trẻ để bố mẹ có một giấc ngủ ngon. Ski Lanka Airways cũng cung cấp dịch vụ tương tự với tên gọi “Child Care Stewardess”.
Nhưng gần đây, nổi bật hơn hết là chương trình “Flying Nannies” xuất hiện trên các chuyến bay của hãng hàng không có trụ sở tại Abu Dhabi – Ethihad Airways. Hãng hàng không của xứ sở dầu mỏ này giới thiệu lần đầu tiên khái niệm về những cô bảo mẫu trên mây thực sự, chương trình được hãng hàng không thiết kế dành cho các đường bay dài và luôn phục vụ tất cả hành khách không phân biệt khoang hạng. Vài năm trước, Ethihad Airways đã tiến hành huấn luyện 300 tiếp viên phục vụ trong chuyến bay những kỹ năng về chăm sóc trẻ em. Đến cuối năm 2013, sẽ có thêm 500 tiếp viên bảo mẫu được huấn luyện về tâm lý và xã hội học liên quan đến đối tượng là trẻ em tại một trường đại học phía bắc nước Anh.
Các tiếp viên bảo mẫu trên chuyến bay có “Flying Nannies” sẽ được nhận biết một cách dễ dàng bằng chiếc tạp dề màu cam sáng, luôn vui vẻ giúp cho các gia đình có trẻ nhỏ trải qua những chuyến bay dài thoải mái và thư giãn hơn. Từ những cặp vợ chồng một con đến những đại gia đình đông con hay quen thuộc hơn là những trẻ em đi một mình, tất cả đều cần có sự quan tâm, chú ý và hỗ trợ nhiều hơn trong chuyến bay, và đó là trách nhiệm của các tiếp viên bảo mẫu trên chuyến bay. Phục vụ các bữa ăn đặc biệt dành cho trẻ em, chăm sóc những đứa trẻ khi bố mẹ chúng dùng bữa ăn hay chỉn chu hơn nữa là chuẩn bị sẵn những bình sữa hay các phần thức ăn nhẹ dành cho trẻ sau chuyến bay…
Bên cạnh đó, các chuyến bay dài sẽ trở nên vui vẻ hơn, thoải mái hơn đối với những đứa trẻ bởi sự có mặt của các tiếp viên bảo mẫu vốn sẽ luôn làm cho chúng bận rộn với những trò chơi hấp dẫn, những bức họa đầy màu sắc, những trò xếp hình sáng tạo như xếp giấy origami hay thiết kế nên những tấm thiệp chúc xinh xắn dành cho bạn bè và người thân trong gia đình sau chuyến bay… Ngoài ra, còn có các trò ảo thuật hay sáng tạo với các vật dụng có sẵn trên máy bay như tách giấy hay những đôi vớ phục vụ hành khách trong chuyến bay… Đối với những đứa trẻ lớn hơn thì có thể giải trí với việc giải mã những ô chữ đầy thách đố hay chỉ đơn giản là thực hiện một chuyến khám phá toàn bộ các khu vực khoang khách trên máy bay vốn là sở thích của mọi đứa trẻ.
Có thể dễ dàng nhận thấy việc hãng hàng không Trung Đông này triển khai chương trình “Flying Nannies” không chỉ đơn thuần là cung cấp thêm một dịch vụ cho hành khách mà dường như đó còn là sự thể hiện quan điểm không chỉ có hành khách hạng thương gia hay cao cấp mới quan trọng đối với họ. Việc phải bay cùng với những đứa trẻ trong các chuyến bay dài, các cặp bố mẹ không chỉ lo toan về những khoản chi phí phát sinh để đáp ứng nhu cầu của trẻ mà còn phải đối mặt với rất nhiều những điều không thoải mái khác trong suốt chuyến bay. Và sự hiện diện của những tiếp viên bảo mẫu sẽ giúp những cặp bố mẹ thoát khỏi những chuyến bay đầy mệt mỏi.
H.K