Mấy anh chàng ngồi phía trước thậm chí đã uống hết cả chục lon bia trên xe lửa, một khởi đầu ấn tượng! Cảnh tượng càng náo nhiệt ngay ở sân ga, nơi người ta cười rạng rỡ, gọi nhau í ới và gương mặt không giấu nổi sự háo hức. Không khó để nhận ra nhiều người trong số họ không phải là người Đức, họ nói tiếng Anh, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung Quốc… Dẫu vậy, những dòng người khác nhau đều cùng đổ về một hướng: Theresienwiese – nơi đang diễn ra lễ hội bia Oktoberfest trứ danh.
“Hành trình” tìm đến những căn lều
Bắt tàu từ Nurnberg lúc 11 giờ, chúng tôi đến ga Munich vào khoảng giữa trưa. Không khí hội hè thật ra đã bắt đầu từ khi vừa đặt chân lên chuyến tàu đông đúc với tiếng cười nói ồn ào, những người trẻ đầy phấn khích và tươi vui. Dù có đến hơn 14 căn lều khổng lồ với sức chứa hàng ngàn người, nhưng phải khó khăn lắm mới có thể tìm được một chỗ trống bên trong để thưởng thức không khí Oktoberfest thật sự. Chúng tôi như bị lạc giữa một biển người di chuyển không hàng lối, giữa cơ man những mô hình trang trí và các căn lều khác đầy ắp thực khách đang hết mình bên những ly bia lớn và các món đặc sản thơm phức. Cuối cùng, gần cuối giờ chiều chúng tôi cũng đến nơi sau khi đã đi vài vòng quanh khuôn viên rộng lớn. Những tưởng có thể yên vị cùng bạn bè tận hưởng cảm giác vui sướng với bia, xúc xích và những câu chuyện bất tận, thì một cánh cổng khó khăn khác lại hiện ra. Phải, đó chính xác là một cánh cổng, nơi có rất nhiều du khách đứng xếp hàng đông nghẹt chờ đến lượt mình vào lều và có hàng chục nhân viên an ninh làm nhiệm vụ điều phối.
Không khí lễ hội
Sự háo hức dù vậy vẫn không giảm đi, mọi người kiên nhẫn đứng chờ khoảng nửa tiếng. Khi đến lượt mình, anh bạn tôi hào hứng bước lên trước thì bị cánh tay hộ pháp của anh chàng bảo vệ ngăn lại, kèm cái lắc đầu quyết đoán “không được đem balô vào lều”. Sau vài phút ngơ ngác rồi cố gắng giải thích, chúng tôi chuyển sang ỉu xìu thất vọng. Cùng lúc đó, anh bạn tôi gọi điện thoại bảo, bên trong lều đông quá, người ta đóng cửa rồi không vào được đâu. Không biết cười hay khóc, nhìn quanh quất như tìm sự chia sẻ của hàng chục du khách nữa cùng chung cảnh ngộ với mình, cuối cùng chúng tôi đành đi dạo loanh quanh các khu trò chơi.
Không cam tâm khi đã đến tận Munich mà không vào được lều uống một ly bia “đúng kiểu”, hôm sau cả nhóm quyết tâm dậy sớm quay trở lại khuôn viên lễ hội. Rút kinh nghiệm, lần này bỏ hết túi xách balô ở nhà thế là “Trời không phụ lòng người”, hai cánh cửa rộng mở! Trước mắt chúng tôi là một không gian rộng lớn đầy ắp… người: Thực khách ăn uống, các cô tiếp viên trong trang phục váy và tạp dề truyền thống thoăn thoắt đi lại bê thức ăn và cầm một lúc năm bảy ly bia to, các anh chàng bán bretzel (một loại bánh truyền thống của Đức) chào mời người mua. Ở giữa lều là một khán đài cao dành cho ban nhạc và những ai muốn lên chơi nhạc hoặc hát hò. Âm thanh nhờ đó càng rộn ràng náo nhiệt, bên cạnh tiếng chạm ly, tiếng trò chuyện, tiếng vỗ tay reo hò từ một góc nào đó thỉnh thoảng vang lên.
Oktoberfest không chỉ có bia
Đến lễ hội bia không chỉ để uống bia. Đó là ấn tượng mà những người tham dự Oktoberfest đã để lại cho chúng tôi. Uống bia chỉ là một cách để ăn mừng lễ hội, ngoài ra họ còn vui chơi và rất đầu tư vào các bộ trang phục, như thể đây là một lễ hội hóa trang chứ không đơn thuần là một lễ hội bia. Ban đầu ai cũng nghĩ rằng chỉ có một số chịu “đầu tư” để thật sự được sống lại không khí truyền thống từ hàng trăm năm nay, nhưng đã lầm. Rất nhiều chàng trai (kể cả những “chàng” không còn trẻ) đều mặc những chiếc áo sơmi trắng có thêu hình cây nhung tuyết, những chiếc quần yếm nâu thêu hoa văn, giày da, vớ trắng cao đến đầu gối và mũ đôi khi có gắn một chiếc lông đà điểu. Trong khi đó, những cô gái duyên dáng trong chiếc váy ngắn đeo tạp dề đặc trưng (gọi là dirndl), mặc bên ngoài chiếc áo sơmi tay phồng, cổ trễ, trông vô cùng gợi cảm.
Nụ cười trong lễ hội
Đây thật ra là trang phục được người dân địa phương mặc hằng ngày khi làm việc đồng áng, có từ thế kỷ XVI. Khoảng giữa thế kỷ XIX, chúng bị cho là rườm rà, không thiết thực nên đã mai một đi dần. Một hiệp hội bảo vệ trang phục truyền thống đã được thành lập nhằm đảm bảo duy trì và bảo tồn nét văn hóa địa phương này. Ngày nay, người ta chỉ mặc trang phục này trong những dịp lễ hội truyền thống như đám cưới, tiệc tùng, và dĩ nhiên Oktoberfest, với nhiều cách điệu để đơn giản hóa, nhẹ hơn và hợp thời hơn. Các bộ trang phục truyền thống, tuy vậy, không hề rẻ và thường mất đến vài tháng để đặt may.
Một cô gái phục vụ trong trang phục cổ truyền
Do đó, cũng dễ hiểu khi đa số những người mặc trang phục truyền thống đến Oktoberfest là dân địa phương. Du khách, hoặc những người dân địa phương khước từ sự cầu kỳ, có thể “hóa trang” cho mình đơn giản hơn, chỉ với một chiếc mũ hình cốc bia khổng lồ, hoặc những tấm bảng lớn hình trái tim treo trước ngực với các dòng chữ “tôi là hoàng tử” hay là “công chúa xinh đẹp”. Tuy nhiên, tôi nhận thấy rằng dù có ăn mặc như thế nào, dù là dân Munich hay du khách thì tất cả đều tận hưởng không khí lễ hội rất nhiệt tình. Họ hò hét, ca hát, nhảy múa, nói chuyện và uống bia rôm rả, như thể rất lâu rồi họ không vui như vậy.
Con gà đẻ trứng vàng
Quang cảnh khuôn viên Oktoberfest là một bức tranh ba chiều với nhiều màu sắc sinh động và âm thanh náo nhiệt. Tuy nhiên, phần tinh túy nhất của Oktoberfest lại nằm trong những căn lều, nơi người ta sẽ uống bia và ăn những món ăn truyền thống, cùng ca hát nhảy múa. Không khoa ngôn cũng có thể nói rằng văn hóa bia của người Đức đều nằm cả ở đây.
Nâng ly
Người Đức xem Oktoberfest là lễ hội của nhân dân, tuy nhiên giá cả tại đây lại không bình dân chút nào. Chiếc bánh bretzel thường được bán với giá 65 cent, giờ được làm lớn hơn gấp rưỡi và được bán với giá 4,5 euro. Ly bia 1 lít có giá 10 euro. Các bộ trang phục truyền thống không dưới 100 euro một bộ. Các trò chơi, cả hiện đại và dân gian, đều có giá trung bình dao động từ 4 đến 5 euro cho một lần chơi từ 5 đến 7 phút, thậm chí có trò chỉ mất khoảng 2 phút. Tuy nhiên, cả dân địa phương và du khách hầu như không tỏ ra ngại ngần, thậm chí vui vẻ trả tiền để tham gia và tận hưởng lễ hội. Một người bạn nói đây là bài học cho thấy rẻ không phải lúc nào cũng thu hút và đắt không phải lúc nào cũng là rào cản. Chính thương hiệu và chất lượng đã tạo nên sức hút về nhiều mặt, trong đó có cả về khía cạnh kinh tế, của Oktoberfest.
Các cô gái vui tính
Một trong những bức bưu thiếp được yêu thích từ Oktoberfest là hình ảnh cô phục vụ trong trang phục truyền thống tay bưng một lúc khoảng chục ly bia (mỗi ly 1 lít) và vẫn cố gắng mỉm cười. Họ là những người làm việc thời vụ chỉ trong thời gian diễn ra Oktoberfest và không có mức lương cố định. Thu nhập của họ đến từ 9% doanh thu trên tổng số bia mà họ phục vụ trong thời gian làm việc, cộng với tiền boa nhận được từ khách hàng. Đây được cho là một cách khuyến khích lao động rất hiệu quả vì người lao động có động cơ để tối đa hóa doanh thu bán hàng và cung cấp những dịch vụ tốt nhất. Dù rằng họ phải làm việc rất vất vả (12 tiếng một ngày, di chuyển liên tục và bưng bê nặng).
Bàn của quý ông
Gia đình trẻ tham dự lễ hội bia
Không có những thống kê chính thức về thu nhập trong mùa lễ hội của những nhân viên phục vụ. Nhưng một số nguồn tính toán rằng với số tiền thu được từ hơn hai tuần Oktoberfest, họ có thể không phải làm việc trong suốt phần còn lại của năm mà vẫn sống thoải mái. Theo thông số đưa ra của thành phố, những người phục vụ này nằm trong số 4.000 lao động thời vụ, bên cạnh 8.000 lao động cố định được huy động trong hai tuần diễn ra lễ hội.
Có lẽ các nhà tổ chức Oktoberfest thành công nhất không phải ở doanh thu khổng lồ, hay ở cách tổ chức chuyên nghiệp, mà ở chỗ họ đã “bán” được cho du khách trải nghiệm và ấn tượng khó quên về một lễ hội có bia, bretzel, âm nhạc rộn rã và những trò giải trí vui nhộn, cùng với một không gian đậm chất truyền thống và giàu bản sắc văn hóa. Khi yếu tố tinh thần trở thành một sự kiện sinh lợi và hiện đại, nhưng vẫn không làm mất đi các giá trị truyền thống mang tính biểu tượng của địa phương, thì đó chính là chìa khóa thành công của lễ hội nổi tiếng khắp thế giới này.
Thủy Tiên